Xử lý vi phạm trật tự đô thị - vệ sinh môi trường: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Nhằm bảo đảm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, đồng thời ngăn chặn kịp thời các hành vi phá hoại cây xanh đường phố, các công trình công cộng như: lòng đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước... bên cạnh hoạt động của Đội trật tự cảnh quan đô thị thành phố, Tổ trật tự đô thị của các xã, phường, thời gian qua, Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường đã thường xuyên phối hợp với Đội trật tự cảnh quan đô thị thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên công tác kiểm tra, xử lý bằng biện pháp lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính cũng như việc đôn đốc người dân thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TP. Buôn Ma Thuột gặp rất nhiều khó khăn.
Việc quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị đòi hỏi sự phối hợp của các cơ quan chức năng. |
Theo thống kê của Tổ kiểm tra trực thuộc Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường, bình quân mỗi tháng Tổ phối hợp giữa Công ty và Đội trật tự cảnh quan đô thị thành phố kiểm tra và xử lý gần 50 trường hợp vi phạm như: xả rác, nước thải bừa bãi ra lòng đường, vỉa hè, chặt phá cây xanh đường phố, làm hư hỏng các công trình công cộng, xả nước thải xuống hệ thống thoát nước mưa của thành phố, đào phá vỉa hè, lòng đường, đấu nối nước thải trái phép, đổ vật liệu xây dựng tràn ra lòng đường, vỉa hè, lôi, kéo đất ra đường phố... Tuy số trường hợp vi phạm nhiều, nhưng việc lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với mục đích nhằm răn đe giáo dục không được bao nhiêu, chỉ từ 5-7 trường hợp/ tháng. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, việc tìm hiểu pháp luật cũng như việc được tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đối với người dân còn hạn chế, công tác phối kết hợp của chính quyền địa phương với các cấp các ngành cũng chưa chặt chẽ… Đơn cử như một số trường hợp chặt cành cây xanh đường phố hay xả nước thải xuống hệ thống thoát nước mưa của thành phố khi có quan chức năng đến kiểm tra giải thích họ mới biết mình vi phạm và lý giải với các cơ quan chức năng một cách đơn giản là họ tỉa bớt cành cây cho thoáng nhà hay hệ thống thoát nước mưa trên đường có thể xả được cả nước thải, chất thải xuống. Chính vì vậy việc lập biên bản xử phạt hành chính có trường hợp thì không thực hiện được, có trường hợp lập được biên bản do mời được chính quyền địa phương làm chứng nhưng đến khi tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người vi phạm kiên quyết không chịu nhận quyết định. Một số trường hợp các cơ quan chức năng buộc phải gửi quyết định qua đường bưu điện để ép người vi phạm nhận nhưng nhận rồi họ cũng không thực hiện việc nộp phạt làm cho các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí không ít trường hợp dù biết mình sai nhưng vẫn kiện ngược lại các cơ quan chức năng, gây rất nhiều phiền hà rắc rối. Đến khi lục lại hồ sơ và đưa đầy đủ hình ảnh, bằng chứng ra người vi phạm mới chịu nhận lỗi.
Ngày 30-7-2010 Nghị định 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị chính thức có hiệu lực thi hành. Trong Điều 7 chương I của Nghị định có quy định rõ các hành vi bị cấm: tự ý trồng cây xanh trên vỉa hè, dải phân cách, nút giao thông và các khu vực sở hữu công cộng không đúng quy định; tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt cành, tỉa cành, đào gốc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép; đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, lột vỏ thân cây, đổ rác, chất độc hại và vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; phóng uế, đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây; treo gắn biển quảng cáo, biển hiệu và các vận dụng khác trên cây, giăng dây, giăng đèn trang trí vào cây xanh khi chưa được phép; lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị và ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định... Mặc dù đã cấm là vậy nhưng tình trạng người dân vi phạm điều cấm này xảy ra thường xuyên và rất nhiều trên địa bàn thành phố. Điển hình như: lột vỏ cây xanh, treo biển quảng cáo, dăng đèn, dây lên thân cây, chặt hạ, tỉa cành cây, đổ chất thải, xà bần vào gốc cây... thậm chí có người còn ngăn cản việc trồng cây xanh đường phố. Đến khi kiểm tra, phát hiện và xử lý phạt hành chính theo Nghị định 23 và Nghị định 64 của Chính phủ thì người dân trả lời là không biết Nghị định 64 của Chính phủ quy định những gì và chưa bao giờ được nghe nói đến Nghị Định này. Và tất nhiên việc xử phạt vi phạm hành chính những trường hợp này theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ rất khó khăn thậm chí không thực hiện được nếu không có sự hỗ trỡ tích cực của chính quyền địa phương.
Thiết nghĩ, để thực hiện tốt việc xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, chặt phá cây xanh đường phố... theo Nghị định 3/2009/NĐCP của Chính phủ, từng bước giảm dần tình trạng vi phạm trên địa bàn thành phố như hiện nay thì rất cần sự tham gia đồng bộ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể có liên quan và chính quyền địa phương. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền các Nghị định 23, 64 của Chính phủ cũng như những nghị định mới ban hành đến đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần kiên quyết bằng mọi biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc