Multimedia Đọc Báo in

Cấp bách triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng

08:16, 28/02/2014

Bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng ở tỉnh ta được cảnh báo là đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, nhiều diện tích rừng ở các huyện: Buôn Đôn, Ea Súp, Lak, Ea H’leo có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Do vậy, lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng trong toàn tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống cháy rừng.

Chủ động từ cơ sở

Huyện Krông Năng có tổng diện tích rừng gần 6.000 ha, trong đó Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn quản lý trên 4.599 ha, Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành 733 ha, Công ty TNHH Tín Phát 451 ha và Hợp tác xã Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Trường Sơn 200 ha. Vào những tháng mùa khô, tình trạng phát, đốt rừng làm nương rẫy diễn biến phức tạp làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng, nên công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được huyện quan tâm. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR; đồng thời yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể ở các xã, thị trấn và các chủ rừng chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, tổ chức kiện toàn ban chỉ huy PCCCR.

Lực lượng bảo vệ của Công ty TNHH Tín Phát tuần tra bảo vệ rừng.
Lực lượng bảo vệ của Công ty TNHH Tín Phát tuần tra bảo vệ rừng.

 Bên cạnh đó, để hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng có thể xảy ra trong mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động bố trí cán bộ thường xuyên xuống thôn, buôn tổ chức tuần tra, canh gác, thống kê toàn bộ nương rẫy của người dân đang sản xuất nhằm tuyên truyền, hướng dẫn cách phát dọn, đốt theo đúng quy trình kỹ thuật; tăng cường cán bộ kiểm lâm địa bàn bám cơ sở trong thời gian cao điểm dễ xảy ra cháy rừng, phân công trực PCCCR 24/24 giờ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các quy định về PCCCR. Đồng thời, Hạt đã phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 3 cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra các đơn vị quản lý, bảo vệ, tổ chức sản xuất kinh doanh rừng trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy, các chủ rừng đã xây dựng được phương án PCCCR, cách thức phối hợp, huy động lực lượng chữa cháy rừng; đầu tư trang thiết bị, máy móc, công cụ phục vụ công tác PCCCR; phát dọn, thu gom, xử lý vật liệu dễ cháy; phát mới, tạo đường băng cản lửa tại những khu vực xung yếu; đóng bảng cấm lửa ở những vùng rừng trọng điểm dễ cháy, khu vực người dân hay qua lại; bố trí lực lượng canh gác lửa khu vực gần rừng 24/24 giờ.

Bảo vệ của Công ty TNHH Tín Phát phát dọn vật liệu dễ cháy tại Tiểu khu 300.
Bảo vệ của Công ty TNHH Tín Phát phát dọn vật liệu dễ cháy tại Tiểu khu 300.

Tại Công ty TNHH Tín Phát, những ngày này lực lượng bảo vệ rừng dường như tất bật hơn với công việc canh gác, tuần tra bảo vệ 451 ha rừng keo lai trồng từ năm 2008, 2009 ở các Tiểu khu 299, 300 (xã Cư K’lông, huyện Krông Năng). Vào những tháng cao điểm của mùa khô, 6 bảo vệ của Công ty luân phiên trực vùng cao quan sát toàn khu vực, tuần tra ở 2 tiểu khu 24/24 giờ. Anh Nguyễn Văn Linh, Đội trưởng Đội Bảo vệ Tiểu khu 300 cho biết: “Không chỉ làm mới 2 bảng tuyên truyền, 35 bảng cấm lửa đặt tại những nơi người dân thường xuyên qua lại, Công ty còn chỉ đạo lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra, canh gác, phát dọn đường băng cản lửa, tranh thủ các buổi họp thôn, buôn phát tờ rơi, tuyên truyền nhắc nhở người dân không mang lửa vào rừng; kịp thời phát hiện và xử lý trong trường hợp xảy ra cháy rừng nhằm huy động mọi lực lượng và người dân hỗ trợ chữa cháy”.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCCCR

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, mặc dù trong năm 2013 ngành đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác phòng chống cháy nhưng toàn tỉnh  vẫn xảy ra 6 vụ cháy rừng trồng với tổng diện tích gần 55 ha. Mùa khô năm 2014 được cảnh báo là khá khắc nghiệt, nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cháy rất cao, trong đó địa bàn có thể xảy ra cháy rừng tự nhiên gồm: Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo; cháy rừng trồng có thể xảy ra ở các huyện: Lak, Krông Năng và TP. Buôn Ma Thuột. Để chủ động trong công tác phòng, chống cháy đối với trên 345 nghìn héc ta rừng trọng điểm dễ cháy, ngay từ đầu mùa khô, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo hạt kiểm lâm các địa phương, đội kiểm lâm cơ động 1, 2, 3 tăng cường triển khai các biện pháp PCCCR; đồng thời phối hợp chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là những hộ cư trú trên phần đất có rừng thực hiện tốt các quy định về quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Mai Văn Kiện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, với phương châm “Phòng là chính, chữa phải kịp thời, triệt để”, ngay từ đầu mùa khô 2013 - 2014, công tác PCCCR được ngành đặc biệt quan tâm. Trước cảnh báo của Cục Kiểm lâm về nguy cơ cháy rừng ở Dak Lak đang ở cấp cực kỳ nguy hiểm, Chi cục đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tiến hành tổ chức kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng cấp bách thực hiện các biện pháp bảo vệ, PCCCR. Cụ thể, các hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ rừng và PCCCR trong cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức: họp dân, phát tờ rơi, ký cam kết, tuyên truyền qua loa, đài truyền thanh, tu sửa, làm mới các bảng quy ước bảo vệ rừng. Nếu phát hiện cháy phải thực hiện tốt phương án tác chiến theo phương châm "4 tại chỗ" gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ nhằm giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra; chỉ đạo các chủ rừng vẽ sơ đồ cụ thể đối với những diện tích rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; xây dựng và sửa chữa các công trình PCCCR; thực hiện các biện pháp làm giảm vật liệu cháy; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng.

Lê Hương - Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.