Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Những kết quả khả quan

08:08, 22/04/2014

Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ, Dak Lak có 15 các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để. Đến nay, việc xử lý các đơn vị này đã cơ bản hoàn tất, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương.

Đầu tư tiền tỷ vẫn... ô nhiễm

Dak Lak là một địa phương có thế mạnh về phát triển cây cà phê, cao su và các cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, sắn… Do đó, ngày càng có nhiều tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông sản. Tuy nhiên, đã có không ít cơ sở vì nhiều lý do xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, các công ty, cơ sở chế biến cà phê áp dụng quy trình công nghệ chế biến ướt, số lượng nước, chất thải xả ra môi trường sẽ càng nhiều vì đây là quy trình sản xuất cần một lượng nước khá lớn để thực hiện các công đoạn như rửa, phân loại quả, xát tươi, đánh nhớt, rửa nhớt... Cụ thể, để sản xuất ra 1 tấn cà phê nhân phải cần từ 7-10 m3 nước, theo đó một cơ sở sản xuất trong thời kỳ cao điểm, lượng nước thải ra lên đến 1.500-2.000 m3/ngày đêm. Nếu không được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý thì lượng nước thải này ắt hẳn sẽ được cơ sở thải ra ao hồ, dòng chảy tự nhiên. Thế nhưng nhiều cơ sở chế biến nông sản chưa thật sự chú ý đến vấn đề đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, điển hình như Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pôk (huyện Cư M’gar). Vào tháng 3-2012, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 91 triệu đồng đối với Công ty vì các vi phạm: kết quả quan trắc môi trường đối với nước thải tại xưởng chế biến nhiều chỉ tiêu vượt mức cho phép; nước thải chưa qua xử lý lại được chảy trực tiếp ra môi trường… Trước đó, cơ quan chức năng của địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt Công ty vì vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa  TP. Buôn Ma Thuột bảo đảm các tiêu chuẩn  trước khi xả thải ra môi trường.
Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột bảo đảm các tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.

Điều đáng nói là bên cạnh những đơn vị gây ô nhiễm do thiếu sự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, cũng có đơn vị đã được đầu tư để xây dựng hệ thống này hàng tỷ đồng nhưng vẫn vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải hiện đại với công suất xử lý nước thải sinh hoạt 500 m3/ngày đêm theo công nghệ AAO của Nhật Bản và xử lý chất thải rắn nguy hại với công nghệ hấp tiệt trùng bằng hơi nước ở nhiệt độ cao (từ 130 – 150oC), công suất khoảng 100 – 150 kg/mẻ, thời gian 90 phút/mẻ... Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra công tác bảo vệ môi trường (tháng 6-2013) thì vẫn phát hiện những vi phạm: Đưa công trình, biện pháp bảo vệ môi trường vào vận hành (hệ thống xử lý nước thải, chất thải) nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận; hệ thống xử lý nước thải vận hành chưa bảo đảm QCVN 28:2010/BTNMT; nước xả thải ra môi trường vượt quá lưu lượng xả lớn nhất theo giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; xử lý chất thải y tế nguy hại bằng phương pháp hấp tiệt trùng và bùn thải của hệ thống xử lý nước thải chưa được phân định, phân loại về ngưỡng nguy hại để quản lý theo quy định...

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ,  tỉnh Dak Lak có 15 đơn vị nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm 12 cơ sở chế biến nông sản như cà phê, cao su, tinh bột sắn, mía đường; 2 bệnh viện và 1 kho thuốc bảo vệ thực vật.

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 7631/UBND-NNMT về việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường) cũng đã tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở, đặc biệt tập trung vào 15 cơ sở nằm trong danh sách theo Quyết định số 64. Trong đó, các đơn vị như: Công ty Cà phê Ea Pôk, Công ty Cao su Krông Buk, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Ea Kar (thuộc Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp Dak Lak)… đã bị xử phạt vì vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Song song với công tác kiểm tra, Chi cục Bảo vệ môi trường còn thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ giải quyết hồ sơ, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân, mặt khác tạo môi trường sản xuất sạch, sản phẩm bảo đảm chất lượng để phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Với sự chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của cơ quan chức năng, các cơ sở có tên trong danh sách gây ô nhiễm nói trên đã nỗ lực triển khai những giải pháp khắc phục. Nhà máy chế biến của Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk (huyện Krông Năng) có công suất thiết kế 6.000 tấn/năm, sử dụng từ 70.000-80.000 m3 nước cho hoạt động sản xuất. Do đó, việc bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là quá trình xử lý nước và rác thải trong quá trình sản xuất là một việc làm cấp thiết. Đơn vị đã xây dựng hệ thống dây chuyền xử lý chất thải, giảm tác động ô nhiễm từ khí thải, tiếng ồn, độ rung, chất thải rắn và chất thải nguy hại khác với tổng kinh phí đầu tư hơn 19 tỷ đồng. Nước thải từ quá trình chế biến mủ nước sau khi qua bể kỵ khí kết hợp lần lượt qua 9 bể tảo, 3 bể ổn định sau đó được thải ra môi trường. Riêng chất thải rắn và chất thải nguy hại được Công ty tiến hành thu gom, phân loại rồi ký kết với đơn vị chuyên môn vận chuyển đi xử lý.  Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pôk đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pôk đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng  hệ thống xử lý chất thải.
Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pôk đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

Theo đó, nước thải chảy theo đường ống đi vào hồ chứa 13 ngàn m3, mùi hôi được xử lý bằng chế phẩm sinh học. Sau khi được bơm đến 7 bể xử lý theo quy trình khép kín, nước thải đã đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường. Còn với Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Krông Bông, từ khi đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống lò sấy  biogas thay cho lò sấy bằng dầu diesel không chỉ cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn tạo nguồn nhiên liệu khí gas để phục vụ cho đốt lò sấy tinh bột sắn, điện thắp sáng thay thế dầu diesel. Không những thế, hệ thống nước thải được xử lý qua nhiều bể lắng lọc nên không còn mùi hôi thối, có thể đưa vào phục vụ tưới cho các loại cây trồng, nuôi cá. Hay Nhà máy chế biến tinh bột sắn Ea Kar đã đầu tư 9 tỷ đồng xây dựng mới một số hạng mục công trình xử lý chất thải, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng, xây dựng hồ sinh học và khu xử lý chất thải rắn…

Với lượng rác thải y tế phát sinh mỗi ngày lên đến gần 200kg, nước thải sinh hoạt phát sinh khoảng 90m3/ngày và nước thải từ phòng X-Quang, xét nghiệm khoảng 9 lít/ngày, việc thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường được Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột đặc biệt coi trọng và thực hiện đúng quy trình. Từ đầu năm 2012, khi Bệnh viện đầu tư kinh phí cải tạo hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt với công suất 100m3/ngày đêm, nước thải của bệnh viện đã được kiểm nghiệm và đạt các tiêu chuẩn của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, được UBND tỉnh cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước. Bên cạnh đó, mỗi năm Bệnh viện còn đầu tư gần 400 triệu đồng cho công tác quản lý chất thải y tế …

Với những nỗ lực đáng kể, đến nay, 15 cơ sở có tên trong danh sách theo theo Quyết định 64 đã được xử lý và đang hoàn thành hồ sơ xử lý triệt để, cụ thể 10 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành xử lý, 3 cơ sở đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ và 2 cơ sở đang thực hiện quan trắc môi trường là Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Sim (huyện Cư Kuin) và Kho thuốc Bảo vệ thực vật phường tại Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột). Ông Nguyễn Hoàng Tùng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: “Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa quan trọng trực tiếp đối với công tác bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, buộc các cơ sở phải nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật bảo vệ môi trường, trong đó việc ưu tiên hàng đầu là xây dựng hệ thống xử lý, tái chế chất thải. Đồng thời, tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp, ngành tới công tác bảo vệ môi trường để từng bước giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn”.

 Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.