Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Drak: Gian nan quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh

09:57, 08/09/2014

Việc quản lý, bảo vệ vùng rừng giáp ranh giữa huyện M’Drak với các huyện của 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đang gặp không ít khó khăn trước tình trạng lâm tặc phá rừng để khai thác lâm sản và lấy đất làm rẫy. 

Huyện M’Drak nằm ở phía Đông của tỉnh có diện tích tự nhiên 133,6 nghìn héc-ta, trong đó diện tích có rừng là hơn 66 nghìn héc-ta do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Drak, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Núi Vọng Phu và địa phương quản lý. Phần lớn diện tích rừng của huyện M’Drak nằm giáp ranh với huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) và các huyện Ninh Hòa, Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa)

Rừng bị phá tại xã Cư San, huyện M’Drak.
Rừng bị phá tại xã Cư San, huyện M’Drak.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện M’Drak, từ đầu năm 2012 đến tháng 6-2014, tại vùng giáp ranh với huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) đã xảy ra 32 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 95,4m3 gỗ các loại, 7 xe cày độ, 2 máy cưa lốc. Trong đó, vào năm 2012, cơ quan chức năng hai huyện đã phát hiện vụ hủy hoại 7.348 m2 rừng tại Tiểu khu 707 của xã Cư Prao (huyện M’Drak) và Tiểu khu 296 do Ban QLRPH Sông Hinh (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên ) quản lý. Năm 2013, Ban QLRPH Sông Hinh phát hiện một vụ khai thác gỗ trái phép quy mô lớn tại tiểu khu 309 (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) giáp ranh với xã Ea Mlay, Ea Mđoan (huyện M’Drak) do Ban QLRPH Núi Vọng Phu quản lý, có 63 cây gỗ lớn bị chặt hạ với khối lượng 286 m3.

Cũng trong thời gian này, tại khu vực giáp ranh với 2 huyện Khánh Vĩnh và Ninh Hòa (Khánh Hòa), tình trạng vi phạm lâm luật cũng hết sức nóng bỏng với 49 vụ được phát hiện, tịch thu 95,7m3 gỗ các loại, 16 phương tiện độ chế, 11 cưa lốc. Đặc biệt, có nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng bị khởi tố hình sự. Điển hình, năm 2013, công an và các ngành chức năng huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) khởi tố vụ án hủy hoại 25,3 ha rừng phòng hộ tại Tiểu khu 105 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương (tỉnh Khánh Hòa) quản lý giáp ranh với xã Cư San (huyện M’Drak); khởi tố 9 bị can, trong đó có 8 người thường trú tại huyện M’Drak và 1 người trú tại tỉnh Lâm Đồng. Theo Công an huyện Khánh Vĩnh, đầu năm 2009, các đối tượng Dương Kim Minh, Đặng Thắng Lâm và Triệu Tiến Chi đã phá 4 ha rừng thuộc Tiểu khu 105 để trồng bắp. Năm 2013, Triệu Tiến Hình mua lại với giá 20 triệu đồng. Sau đó, Hình thuê Triệu Văn Thái dọn sạch cỏ, cây rừng, với số tiền 40 triệu đồng. Thái rủ thêm Vi Văn Trời, Triệu Văn Hải, Triệu Văn Linh, Triệu Văn San cùng chặt phá rừng. Đến khi bị phát hiện, các đối tượng này đã phá trắng 25,3 ha rừng… Năm 2014, Công an huyện M’Drak cũng đã tiến hành khởi tố vụ án “hủy hoại rừng” xảy ra tại Tiểu khu 819 do UBND xã Cư San quản lý giáp ranh với huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) với diện tích thiệt hại 26,3 ha rừng.

Ông Lê Văn Ba, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện M’Drak cho biết: nguyên nhân của tình trạng này là do khu vực giáp ranh có địa hình đồi dốc khó, xa xôi khiến việc tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng của các địa phương rừng giáp ranh gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng lâm tặc khai thác ở khu vực rừng của tỉnh này rồi lại chạy sang tỉnh kia lẩn trốn thường xuyên xảy ra; nhiều khi nhận được tin báo đến nơi thì lâm tặc đã rút đi ra khỏi rừng. Công tác phối kết hợp giữa lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng và chính quyền địa phương tại vùng giáp ranh tuy đã được thực hiện nhưng chỉ mới dừng lại ở các đợt tuần tra, truy quét chung trong mùa khô, hay khi có tin báo lâm tặc phá rừng, chừng đó là chưa đủ mạnh để đẩy lùi tình trạng phá rừng…

Để vùng rừng giáp ranh được quản lý, bảo vệ tốt hơn, thiết nghĩ các tỉnh trong khu vực cần có quy chế phối hợp chặt chẽ, với sự tham gia của các địa phương và liên ngành bảo vệ pháp luật; việc truy đuổi vi phạm không bị giới hạn bởi ranh giới hành chính, được phép yêu cầu phối hợp hỗ trợ để bắt giữ kịp thời, đặc biệt xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt ở các vùng giáp ranh…

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.