Chuyện những người giữ thủy tùng
Quần thể thủy tùng Trấp K’sơr (thuộc xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) là một trong hai quần thể thủy tùng của cả nước, loài cây quý hiếm này luôn đối diện với sự xâm hại của con người, nhưng với nỗ lực không mệt mỏi của những người giữ rừng loài cây này vẫn được bảo vệ, phát triển.
Trạm quản lý, bảo vệ rừng Trấp K’sơr (thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn loài-sinh cảnh thông nước) được thành lập từ năm 2012, với biên chế 6 người có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 21 cây thủy tùng trên địa bàn. Để giữ an toàn cho số cây ít ỏi còn sót lại này, các cán bộ giữ rừng đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều trước những áp lực. Anh Nguyễn Văn Khương trạm trưởng chia sẻ: Bảo vệ loài cây đang nằm trong diện sắp tuyệt chủng này có đặc thù riêng, phải tuyệt đối không để bị con người xâm hại dù chỉ với cành, ngọn, đó cũng chính là cái khó cho cán bộ giữ rừng ở đây, không như những đơn vị quản lý rừng hàng ngàn héc- ta dù có bị cưa đi vài cây gỗ thì cũng ít người biết đến”. Ngoài ra, những năm gần đây, gỗ thủy tùng bị săn tìm ráo riết bởi những tin đồn thổi về công dụng ghê gớm của loài gỗ này như trị ung thư, đuổi muỗi, trừ tà… Anh Khương kể: Có người bạn từng gặp anh gợi ý: “Mày làm trong đó có cành thủy tùng nào khô kiếm cho tao một miếng về chưng trong nhà cho muỗi nó khỏi vào”. Anh nổi đóa: “Ai nói với mày thế?”. Anh bạn tỉnh queo trả lời: “Tao nghe đồn vậy”. Anh phản pháo lại: “Tụi tao ở trong này, nhiều khi mắc võng ngủ ngay dưới gốc thủy tùng còn bị muỗi nó xơi, đừng có tào lao”. Đó là với người làm công tác quản lý bảo vệ am hiểu loài cây thủy tùng như anh, còn đối với những người khác, họ vẫn tin gỗ thủy tùng có những tác dụng ghê gớm, và rồ dại săn tìm chúng. Họ tìm đủ mọi cách để có nó, nhà nhà đi săn tìm thủy tùng, họ đào xới ruộng đồng, ngụp lặn dưới lòng hồ ở những khu vực trước đây có thủy tùng sinh sống để tìm kiếm từ những thân cây, gốc rễ, cành ngọn bị chôn vùi. Dân buôn gỗ cũng sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm để thu mua.
Tuần tra bảo vệ thủy tùng. |
Không những thế, những cây còn sống trong quần thể thủy tùng ở Trấp Ksơr cũng bị lâm tặc nhắm đến. Điều này đã tạo nên áp lực ghê gớm cho những người giữ rừng ở đây. Anh Khương tâm sự: “Hằng ngày anh em phải liên tục tuần tra xung quanh khu vực có cây thủy tùng sinh sống, tối thì phải mắc võng ngủ ngoài rừng. Từ khi lập trạm đến nay, chưa anh em nào ở đây có một cái tết trọn vẹn với gia đình mà phải thay nhau ở lại rừng túc trực”. Dẫn tôi đi thăm khu vực có cây thủy tùng, cán bộ bảo vệ rừng Trịnh Duy Hải hỏi: “Đố anh biết hai loại “đặc sản” ở khu rừng này là gì?”. Tôi trả lời ngay: “Chắc chắn là thủy tùng, còn loại nữa thì chịu”. Hải xua tay phản đối: “ Sai bét, đó là đỉa và muỗi, đỉa ở đây nhiều như trấu vãi, con nào con nấy to như ngón chân cái, anh em lội rừng dù đã được trang bị ủng dài và áo mưa, nhưng chúng vẫn chui vào cắn được. Còn muỗi thì khỏi phải nói, tối mắc võng ngủ ở rừng và giăng màn kín mít nhưng âm thanh đàn muỗi phát ra vẫn như sáo thổi”. Hải kể thêm, ở trạm này có một câu chuyện liên quan đến đỉa hay đáo để, vào năm 2013, trong lúc tuần tra, Lê Văn Huy bị đỉa cắn phải, do lội nước lâu ngày nên bị nhiễm trùng phải lên viện mổ, trong thời gian nằm điều trị chờ phục hồi, anh lân la tán tỉnh được cô y tá, nay là vợ của anh. “Mấy anh em chưa vợ trong đơn vị từ đó toàn trêu nhau xem đỉa như “linh vật” của tình yêu, ai muốn lấy vợ thì cứ cho đỉa cắn rồi lên viện nằm khắc có”, Hải đùa vui.
Khu vực mà thủy tùng tập trung sinh sống là vùng sình nước ngập quanh năm, cỏ dại cây cối mọc um tùm nên việc tuần tra bảo vệ không thể dùng thuyền mà phải trực tiếp lội nước. Mùa mưa có chỗ nước ngập ngang ngực, lạnh thấu xương. Để bảo vệ tốt thủy tùng, vừa tiết kiệm được công sức, những cán bộ quản lý bảo vệ rừng đã “sáng chế” ra cách giăng bẫy để biết có người xâm nhập vào rừng hay không. Trên những lối mòn người dân hay qua lại, các anh vắt những dây rừng hay cột những sợi chỉ ngang qua, nếu có người đi vào thì đương nhiên vướng vào làm đứt sợi chỉ hoặc dây rừng, chỉ cần kiểm tra thấy sợi chỉ, dây rừng bị đứt là có dấu hiệu người vào rừng cấm…
Chiều muộn, những đàn cò trắng bay rợp khu quần thể thủy tùng đẹp đẽ, thanh bình. Những cây thủy tùng ở đây với tuổi đời từ 40 - 600 năm vẫn vươn lên xanh tốt như một lời khẳng định rằng, “báu vật” của rừng vẫn đang được nâng niu, gìn giữ.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc