Multimedia Đọc Báo in

Nan giải việc ngăn chặn tình trạng "bức tử" cây xanh đường phố

17:12, 10/12/2014
Trong khi các cơ quan chức năng cũng như nhiều người dân đang nỗ lực trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đường phố và nơi công cộng để làm cho thành phố ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp thì không ít những tổ chức, cá nhân vẫn còn chặt, phá, bẻ cành, cắt cây, nhổ bỏ cây xanh đường phố hoặc bằng mọi hình thức làm cho cây xanh đường phố chết dần chết mòn để che mắt các cơ quan chức năng. Và đến nay công tác xử lý các trường hợp vi phạm này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Ngọc Liên, Tổ phó Tổ Truyền thông - Kiểm tra Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Dak Lak cho biết: Qua công tác kiểm tra, giám sát, mỗi năm Công ty phát hiện từ 50-70 trường hợp tự ý làm chết hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh đường phố bằng nhiều hình thức như: cắt cành, chặt cây, nhổ bỏ cây, di chuyển cây xanh, đẽo vỏ cây, đổ than nóng, nước sôi, dầu nhớt vào gốc cây… Các đối tượng muốn “bức tử” cây xanh đường phố có rất nhiều lý do, trong đó chủ yếu đối tượng cho rằng cây che mặt tiền nhà, che biển quảng cáo ảnh hưởng đến kinh doanh buôn bán; thậm chí có trường hợp cho rằng cây xanh trước nhà “chắn” hết tài lộc vào nhà hay mang vận xui đến cho chủ nhà… Đặc biệt, ngày 23-10 vừa qua, Công ty đã phát hiện cây long não trước số nhà 311 đường Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột) bị “bức tử” bằng hình thức rất tinh vi. Đối tượng muốn làm chết cây đã khoan 11 lỗ trên thân cây, mỗi lỗ có đường kính 10 mm, sâu 20 cm để bơm hóa chất vào thân cây làm cho cây chết từ từ tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Đây là một trong số những cây long não lớn, quý hiếm có đường kính trên 1 m, cao trên 14 m đã được trồng và chăm sóc trên 30 năm còn lại trên đường Ngô Quyền…

Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Dak Lak đang trồng cây xanh tại Công viên Lạng Sơn (TP. Buôn Ma Thuột).
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Dak Lak đang trồng cây xanh tại Công viên Lạng Sơn (TP. Buôn Ma Thuột).

 Mỗi năm Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường phối hợp với Đội trật tự cảnh quan đô thị TP. Buôn Ma Thuột và UBND các xã, phường kiểm tra, xử lý hành chính khoảng 30 trường hợp làm ảnh hưởng đến cây xanh đường phố. Đây hầu hết là những hộ dân vì có suy nghĩ đơn giản là cây vướng vào nhà, đường dây điện nên chặt bỏ. Do đó khi kiểm tra, phát hiện và giải thích họ sẵn sàng nhận lỗi và ký biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Số còn lại lén lút chặt cây vào ban đêm, ngày nghỉ hoặc làm cho cây chết từ từ. Đây là những trường hợp dù biết chính xác người vi phạm nhưng xử lý rất khó khăn. Vì cơ quan chức năng không bắt được tận tay nên những trường hợp này phủ nhận hoàn toàn sự việc mình làm và các cơ quan chức năng không có căn cứ gì để xử lý đành phải chuyển hồ sơ qua Cơ quan Công an để điều tra, tìm ra thủ phạm.

Song song với công tác kiểm tra, xử lý, để nâng cao ý thức chăm sóc, quản lý và bảo vệ cây xanh đường phố đến mỗi hộ dân, Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường cũng đã tổ chức cho tất cả các hộ dân có cây xanh trước nhà trên các tuyến đường ký cam kết bảo vệ cây xanh đường phố; đồng thời thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp đổ than nóng, xà bần, nước thải vào gốc cây làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Bên cạnh đó, Công ty cũng tiến hành làm bảng tuyên truyền nêu rõ mức phạt hành chính nếu làm ảnh hưởng đến cây xanh để treo ở những nơi công cộng. Tuy nhiên hình thức tuyên truyền này hiệu quả mang lại cũng chưa cao…

Tại điều 7 Nghị định 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ các hành vi bị cấm đó là: tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép; đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, lột vỏ thân cây; đổ rác, chất độc hại và vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh, phóng uế, đun nấu, đốt gốc, xây bục bệ quanh gốc cây; treo, gắn biển quảng cáo, biển hiệu và các vật dụng khác trên cây, giăng dây, giăng đèn trang trí vào cây khi chưa được phép; lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị và ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định. Tuy vậy hầu hết người dân khi vi phạm và được các cơ quan chức năng tuyên truyền, giải thích đều không biết là mình đã vi phạm Nghị định của Chính phủ và cũng không biết Nghị định 64 quy định những gì.

Mặt khác, điều 13 của Nghị định cũng quy định rõ: Mọi tổ chức, hộ cá nhân và gia đình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh trong đô thị, đồng thời thông báo cho UBND theo phân cấp quản lý để có biện pháp xử lý. UBND theo phân cấp quản lý có trách nhiệm tổ chức bảo vệ, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm về cây xanh đô thị… Thế nhưng hiện nay việc thực hiện tốt điều 13 của Nghị định này hầu như cũng chỉ có mình Công ty quản lý cây xanh. Vừa thực hiện việc trồng, chăm sóc, quản lý lại kiểm tra giám sát để bảo vệ cây xanh đường phố quả là rất khó khăn. Chính vì vậy để quản lý và bảo vệ tốt cây xanh đô thị, từng bước ngăn chặn tình trạng “bức tử” cây xanh đường phố thì rất cần sự chung tay của người dân và chính quyền các địa phương.

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc