Multimedia Đọc Báo in

Áp lực giữ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

09:31, 25/02/2015

Để bảo vệ màu xanh của những cánh rừng, lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ea Sô vẫn ngày đêm tuần tra, canh gác. Công việc đầy gian nan, đôi khi còn thấm cả máu bởi sự chống trả của lâm tặc.

Đối mặt với nhiều áp lực

Với diện tích 26.848 ha, trong đó diện tích có rừng 21.495,7 ha, địa bàn quản lý của Khu BTTN Ea Sô lại giáp ranh với nhiều huyện trong và ngoài tỉnh như: huyện Krông Pa (Gia Lai), Sông Hinh (Phú Yên) và huyện Krông Năng, M’Drak (Dak Lak) nên công tác quản lý bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm nơi đây luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ông Trần Lê Trinh, Phó Giám đốc Khu BTTN Ea Sô cho biết, trong năm 2014, trước tình hình an ninh rừng phức tạp, lực lượng kiểm lâm ở đây thường xuyên triển khai các đợt truy quét, tuần tra, qua đó đã phát hiện, xử lý là 65 vụ, với 73 đối tượng vi phạm lâm luật. Công tác QLBVR của đơn vị những năm gần đây còn đối mặt với tình trạng chống người thi hành công vụ, lâm tặc manh động tấn công lực lượng kiểm lâm. Khu vực giáp với huyện Krông Năng, dân cư địa phương, đa số người Mông ở xã Ea Dah, Ea Puk, người Mường ở xã Ea Tam xâm nhập vào khu vực bảo tồn để săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã và khai thác gỗ quý hiếm hết sức phức tạp.

Còn vùng giáp ranh với huyện Krông Pa, gần 30 km chiều dài nhưng đường tuần tra không có, một phần diện tích lại giáp với đất khai hoang và rừng trồng của Công ty MDF nên từ năm 2011, lâm tặc đã lợi dụng vào khai thác gỗ hương, cà te, cẩm lai với mức độ lớn. Việc tổ chức lực lượng truy quét gặp rất nhiều khó khăn, phải đi bộ cắt rừng mất rất nhiều thời gian. Các đối tượng thường tổ chức khai thác buổi tối, sau đó vận chuyển bằng xe máy độ chế nên càng khó bắt giữ. Thêm vào đó, giữa địa bàn có con sông Ea Pich chảy ngang qua, khi có mưa lớn là lực lượng không thể qua sông được. Hơn nữa, mỗi lần đi, lâm tặc tập trung có lúc 30 - 40 xe máy độ chế, có cả súng kíp sẵn sàng chống đối lại lực lượng kiểm lâm.  Đôi khi bắt được các đối tượng khai thác gỗ trái phép ở khu vực giáp ranh với tỉnh Gia Lai, cả xe và gỗ đều không đưa về được đơn vị vì địa hình phức tạp...

Lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô tuần tra, kiểm soát rừng.
Lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô tuần tra, kiểm soát rừng.

Anh em ở Trạm Kiểm lâm số 5 không quên đêm 24-1-2014 khi tuần tra truy quét ở tiểu khu 623. Qua mai phục, phát hiện hơn 10 đối tượng điều khiển hơn 10 xe máy độ chế vận chuyển gỗ trong địa phận Khu BTTN Ea Sô. Tổ tuần tra đã bắt giữ được 1 đối tượng, liền sau đó các đối tượng khác đã kéo đến và sử dụng gậy, dao… chống lại lực lượng kiểm lâm, khiến các kiểm lâm: Vương Thế Cao, Lê Tấn Hoàng, Võ Đức Minh, Hoàng Văn Nam bị thương. Đối tượng vi phạm là K’sơr Y Luêt, sinh năm 1977 (thường trú tại buôn Zô, xã Ea Ly, Sông Hinh, Phú Yên), được chuyển về cho Công an huyện Sông Hinh xử lý. Ngày 22-4-2014, tổ tuần tra rừng tại tiểu khu 632 đã phát hiện đối tượng Hờ A Chu, sinh năm 1984 ở thôn Giang Đông, xã Ea Dah, huyện Krông Năng đang dùng dao phát rừng để làm nương rẫy... diện tích 2009 m2, bị TAND tỉnh tuyên phạt 3 năm tù…

Để giữ rừng tốt hơn

Tại các khu vực giáp ranh, Hạt kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã làm lán bạt tạm, thường xuyên điều động lực lượng (mỗi tổ 4 - 5 người, mỗi đợt tuần tra ít nhất 5 ngày để phục bắt lâm tặc, cùng với tăng cường công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của các tỉnh giáp ranh. Nhằm đẩy mạnh các biện pháp giữ rừng, tuyên truyền vận động người dân  nâng cao ý thức bảo vệ rừng, trong năm 2014, việc tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản pháp luật khác có liên quan đều được lồng ghép tại các buổi họp dân các buôn: Ea Puk, Ea Sar, Cư Na San, Xê Đăng, các thôn 4, 3, 1 thuộc xã Ea Sô và Ea Sar, từng bước nâng cao nhận thức của người dân nơi đây, góp phần hạn chế tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy cũng như săn bắn động vật hoang dã trái phép. Bên cạnh đó, để giúp người dân có thêm thu nhập, gắn bó với rừng, đơn vị cũng đã xây dựng phương án chi trả dịch vụ môi trường rừng với diện tích 22.556,4 ha, trong đó, giao khoán cho 56 nhóm hộ gia đình (496 hộ) với diện tích giao khoán 13.510,6 ha; giao khoán quản lý bảo vệ rừng tập trung, diện tích 7.085,8 ha.

Lâm tặc bị phát hiện, bắt giữ.
Lâm tặc bị phát hiện, bắt giữ.

Ông Trần Lê Trinh cũng chia sẻ:  “Trước tình trạng các đối tượng lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi và liều lĩnh, việc giữ rừng ở Khu BTTN Ea Sô đối mặt với nhiều hiểm nguy, thách thức, vì vậy, đơn vị đã đề nghị chính quyền xã Ea Sô và Ea Sar (Ea Kar) thu giữ và xử lý súng tự chế trên địa bàn; can thiệp với chính quyền huyện Krông Pa, huyện Sông Hinh và huyện Krông Năng...  xử lý các phương tiện xe máy độ chế lưu hành trên địa bàn mỗi huyện theo đúng quy định của pháp luật nhằm góp phần hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng tàn phá rừng giáp ranh Khu BTTN Ea Sô dưới mọi hình thức.  

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.