Báo động tình trạng khai thác tài nguyên nước không phép
Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa mạnh cùng với sự phát triển của dân số đang kéo theo nhu cầu dùng nước sạch ngày một tăng cao, việc khai thác nước mặt và nước ngầm tràn lan đã khiến tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng suy giảm nghiêm trọng.
Giếng khoan lấy nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của một số người dân huyện Krông Bông không có giấy phép khai thác sử dụng nước ngầm. |
Điều đáng nói ở đây là nguồn nước ngầm hiện đang bị các tổ chức và cá nhân khai thác một cách vô tội vạ và lãng phí. Theo quy định, người dân muốn khoan giếng nước ngầm phục vụ tưới tiêu nông nghiệp với quy mô lớn phải xin phép và được sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thực tế thì ít có trường hợp nào xin phép vì hầu hết họ quan niệm khoan giếng nước trên đất nhà mình thì không cần phải xin phép cơ quan chức năng. Mặc khác, một số người khi biết quy định này lại “lờ” đi bởi họ ngại thủ tục phiền hà, mất thời gian hay phải tốn tiền đóng lệ phí. Đáng lo ngại hơn khi những năm gần đây nguồn nước mặt ở các ao hồ, sông, suối đang ngày càng cạn kiệt, không đủ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp nên số lượng giếng khoan, đào để lấy nước ngầm phục vụ việc tưới tiêu càng gia tăng. Đơn cử như gia đình anh Lê Văn Lộc (xã Ea Tân, huyện Krông Năng), để có nước tưới cho gần 1ha đất trồng cà phê, anh đã phải đầu tư hơn 30 triệu đồng để khoan giếng, vì không biết quy định phải xin giấy phép khai thác sử dụng nguồn nước dưới đất nên anh không làm hồ sơ xin phép mà tự mình thuê người về đào, khoan giếng. Theo ông Dương Đình Hoành, Trưởng phòng Tài nguyên nước – Khí tượng thủy văn (Sở TN&MT), việc khai thác nguồn nước mặt và cả nước ngầm tại các địa phương hiện đang rất khó quản lý, nhiều trường hợp không có giấy phép một phần là do họ đã khai thác từ hàng chục năm nay; số khác thì tìm mọi cách để trốn tránh quy định, lén khai thác. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt các đối tượng, đơn vị vi phạm chưa mạnh tay; đồng thời, các địa phương không mấy quan tâm đến việc khai thác sử dụng nguồn nước trên địa bàn nên vấn đề khai thác nước dưới đất lại càng khó kiểm soát hơn.
Do tình trạng khai thác nước tràn lan, không tuân thủ quy trình cùng với việc tài nguyên rừng bị khai thác quá mức và lượng mưa hằng năm kết thúc khá sớm, nhiều vùng như M’Drak, Ea Knôp, cầu 42 (huyện Krông Pak), TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ lượng mưa thấp hơn trung bình các năm trước nên mực nước ngầm chưa được bổ sung kịp thời khiến tình hình khô hạn càng nghiêm trọng. Điều này thể hiện rõ nhất qua kết quả quan trắc môi trường của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, tại một số lỗ khoan mực nước giảm từ 1m đến trên 5m, cụ thể như tại lỗ khoan 29T vào tháng 10-2014 mực nước giảm so với cùng chu kỳ đo năm 2013 là 5,76m và lỗ khoan 69T giảm 5,84m… Thực tế cho thấy, các tầng nước ngầm được hình thành rất lâu nên nếu việc quản lý, khai thác không tốt thì không lâu nữa nguồn nước ngầm ở nhiều nơi sẽ không thể sử dụng được và phải mất cả triệu năm mới có thể phục hồi. “Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần phổ biến Luật Tài nguyên nước cho cán bộ địa chính các xã, phường; tuyên truyền, khuyến khích người dân khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, có hiệu quả, tích cực trồng cây xanh tạo bóng mát… nhưng tình trạng khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm trái phép vẫn có xu hướng gia tăng; cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu”, ông Hoành chia sẻ.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc