Khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào dịch vụ môi trường
Công tác bảo vệ môi trường, nhất là hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tìm hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông Y Kanin H’đơk – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
°Xin ông cho biết thực trạng môi trường hiện nay trên địa bàn tỉnh?
Theo kết quả quan trắc môi trường tỉnh giai đoạn 2011-2015, chất lượng nước dưới đất tương đối ổn định qua các năm và nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên chất lượng nước sông, nước suối trong những năm gần đây đã bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm; các thông số như nitrit, nitrat, tổng chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ và colifom vượt giới hạn cho phép của QCVN 08:2008/BTNMT; nồng độ các thông số cơ bản trong không khí xung quanh khu vực đô thị như SO2, NO2, CO, nồng độ bụi đạt quy chuẩn, nhưng ở một số thời điểm trên các trục giao thông chính, khu vực đô thị thì nồng độ bụi và tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép; công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học bị tác động, suy giảm mạnh… Đặc biệt, nước thải trong sản xuất về cơ bản được thu gom, xử lý, tuy nhiên nước thải từ các bãi chôn lấp chất thải rắn, hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ có hàm lượng chất ô nhiễm rất cao, hiện vẫn chưa được thu gom, xử lý theo quy định; rác thải vẫn chưa được thu gom triệt để và hệ thống xử lý còn mang tính thủ công, đây chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất hiện nay.
° Vì sao việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh là vấn đề nan giải trong công tác bảo vệ môi trường, thưa ông?
Toàn tỉnh hiện có 17 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, mới chỉ 27/151 xã (chiếm tỷ lệ gần 18%) có tổ chức dịch vụ này và chủ yếu ở khu vực trung tâm xã, khu đông dân cư. Tỷ lệ thu gom chất thải chỉ mới đạt 76% (mỗi năm tăng trên 3%), trong khi đó trung bình mỗi ngày toàn tỉnh thải ra khoảng 442 tấn chất thải, riêng khu vực TP. Buôn Ma Thuột chiếm 43,6% (193 tấn). Thực tế hiện nay cho thấy, công tác phân loại chất thải rắn ngay tại nguồn chưa được triển khai thực hiện. Toàn tỉnh chỉ mới có ổ chôn lấp số 1 của bãi chôn lấp chất thải rắn tại xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) được đầu tư một số hạng mục cơ sở hạ tầng hợp vệ sinh; các bãi chôn lấp, xử lý rác thải còn lại chủ yếu áp dụng giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách phun thuốc diệt ruồi, chất khử mùi, đốt, chôn lấp tại chỗ định kỳ 3-6 tháng/lần (kinh phí xử lý từ ngân sách sự nghiệp môi trường địa phương).
Trong thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, tuy nhiên do nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức và cộng đồng dân cư còn hạn chế nên tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn ra. Cụ thể, quá trình phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý còn nhiều vướng mắc, bất cập; bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp huyện còn mỏng, yếu nghiệp vụ; do thiếu kinh phí nên dự án xây dựng các bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh và khu chất thải nguy hại chưa được triển khai thực hiện; nhiều bãi rác tự phát còn tồn tại, chưa được xử lý do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động việc xã hội hóa công tác thu gom rác thải trên địa bàn cũng như sự tham gia của người dân vào hoạt động này; việc áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường chưa được đặt ra một cách tích cực; hệ thống quản lý nhà nước về môi trường mặc dù đã hoàn thiện nhưng cần được kiện toàn hơn nữa. Đáng lưu ý là tư nhân tham gia vào dịch vụ công ích này còn rất hạn chế...
° Theo ông, để khắc phục những khó khăn trên cần tập trung vào các giải pháp nào?
Để khắc phục những hạn chế trên, trước hết cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, ý thức và hành động trong các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể, cán bộ và nhân dân. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, hạn chế việc phát sinh các bãi rác tự phát; xem xét việc đầu tư, xây dựng khu xử lý chất thải nguy hại tập trung; đẩy mạnh xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường; tăng cường, mở rộng việc xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; xây dựng chính sách cụ thể để khuyến khích các đơn vị, tổ chức, thành phần tư nhân tham gia vào dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải… Các vấn đề trên chỉ được thực hiện tốt nếu có sự tham gia của Nhà nước, chính quyền địa phương và sự ủng hộ tích cực của người dân.
° Xin cám ơn ông!
Thúy Hồng (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc