Xây dựng bãi chôn lấp và xử lý chất thải: Nan giải bài toán kinh phí
Là nơi tập kết, xử lý rác thải, thế nhưng từ nhiều năm nay nhiều bãi rác trên địa bàn tỉnh lại trở thành nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Mặc dù biết được tác hại lâu dài từ các bãi rác tập trung này, song việc di dời, quy hoạch xây dựng bãi rác hợp quy chuẩn hiện vẫn nằm trên giấy.
Ô nhiễm môi trường từ bãi rác tập trung
Một trong những bãi chôn lấp, xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường hiện nay trên địa bàn tỉnh là bãi rác tập trung của huyện Cư M’gar (nằm trên địa bàn xã Quảng Tiến). Với diện tích khoảng 0,5 ha, mỗi ngày tiếp nhận hơn 15 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom từ địa bàn xã Quảng Tiến và thị trấn Quảng Phú, bãi rác đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân sống xung quanh khu vực và những người thường xuyên đi qua tuyến đường từ Quảng Tiến đi Ea M’nang và các xã Quảng Hiệp, Ea Md’roh… Ruồi muỗi bay đầy, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, rác thải nằm vương vãi trên mặt đường. Chỉ cần một cơn gió thổi qua là những chiếc túi ni lông, giấy, xốp bay tung tóe khiến môi trường càng ô nhiễm nghiêm trọng. Không những thế, những khi có đợt dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, nhiều người thiếu ý thức đã vứt xác động vật vào bãi rác mà không chôn lấp, khử trùng theo quy định. Chính điều này đã khiến những hộ gia đình sống cạnh bãi rác thường phải đóng cửa nhà kín mít để tránh mùi hôi thối cũng như ruồi, muỗi.
Ô nhiễm môi trường từ bãi rác huyện Cư M’gar gây bức xúc cho người dân trong khu vực. |
Với bãi rác tại thôn 15, xã Pơng Đrang, huyện Krông Buk cũng trong tình trạng tương tự, chỉ rộng gần 0,5 ha nhưng mỗi ngày bãi rác tiếp nhận gần 10 tấn rác thải sinh hoạt trên toàn huyện Krông Buk. Do không được đầu tư hệ thống xử lý nên rác thải chủ yếu được chôn lấp, phun hóa chất và đốt khiến không khí bị ô nhiễm, ảnh hưởng không chỉ đến cuộc sống mà còn cả diện tích cây trồng của các hộ dân sống xung quanh khu vực. Mùa nắng nóng mùi hôi thối từ bãi rác bốc lên ngột ngạt, mùa mưa, rác thải chất thành từng đống, nước thải chảy lênh láng, nhiều lúc rác tràn cả ra mặt đường Quốc lộ 14. Theo nhiều hộ dân có đất canh tác cạnh bãi rác thì mỗi khi đi làm nương rẫy, mùi hôi thối và ruồi muỗi từ bãi rác bay sang khiến không khí càng thêm ngột ngạt. Đặc biệt, từ nhiều năm nay, một số diện tích đất trồng cà phê cho năng suất kém hơn, cây trồng bị còi cọc, hay bị nhiễm bệnh. Điều mà người dân ở đây lo sợ hơn cả là với tình trạng ô nhiễm như hiện nay thì nguồn nước ngầm mà họ đang sử dụng sẽ bị tác động như thế nào. Đem sự việc phản ánh với cơ quan chức năng thì cũng chỉ nhận được câu trả lời là sẽ xử lý, tuy nhiên chỉ với phương pháp tạm thời là đốt hoặc ủi rác vào phía trong bãi, nhưng chỉ một thời gian sau thì tình trạng rác thải lại tràn ra đường và tiếp tục gây ô nhiễm. Hay như ở bãi rác tại xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ cũng chỉ được xây dựng một cách qua loa bằng san lấp mặt bằng. Lượng rác thải ngày càng nhiều, trong lúc đó biện pháp xử lý dứt điểm lại chưa có dẫn đến tình trạng ứ đọng, bãi rác ngày một ô nhiễm hơn. Cũng chính vì thế, từ nhiều năm nay nơi đây trở thành điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường khiến nhân dân bức xúc. Mặc dù họ đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền, cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. Việc quy hoạch, xây dựng bãi rác tập trung không hợp lý quả thực không chỉ tác động xấu đến cảnh quan môi trường mà còn cả cuộc sống nhân dân sống quanh khu vực.
Cấp thiết xây dựng bãi rác hợp quy chuẩn
Trước phản ánh của người dân các địa phương, trao đổi vấn đề này với Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, chúng tôi đều nhận được câu trả lời là đã quy hoạch bãi rác theo quy chuẩn nhưng để thực hiện lại là một trở ngại lớn bởi không có kinh phí. Cụ thể như huyện Krông Buk đã quy hoạch bãi rác mới rộng 11 ha nằm trên địa bàn 2 xã Cư Kpô và xã Cư Né; thị xã Buôn Hồ quy hoạch bãi rác rộng gần 12 ha tại xã Ea Đrông; huyện Cư M’gar quy hoạch xây dựng bãi rác rộng 10,5 ha trên địa bàn xã Ea H’đing… Tuy nhiên, những bãi rác này hiện vẫn đang còn “nằm trên giấy” vì chưa được bố trí nguồn vốn. Ông Y KaNin M’lô, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Các bãi chôn lấp chất thải trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa bảo đảm các quy định về môi trường, phương án xử lý chủ yếu bằng cách phun thuốc diệt ruồi, chất khử mùi và đốt, chôn lấp tại chỗ định kỳ 3 tháng đến 6 tháng/lần. Mặc dù biết đây là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, các địa phương cũng đã bố trí địa điểm, xây dựng quy hoạch sơ đồ bãi xử lý rác tập trung nhưng do chi phí đầu tư quá lớn nên vẫn chưa có nguồn vốn để triển khai”.
Bãi rác tập trung huyện Krông Buk gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |
Được biết, để xây dựng một bãi rác đúng quy chuẩn phải đầu tư hàng chục tỷ đồng, trong khi đó việc xã hội hóa công tác này là điều không hề đơn giản. Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, người dân vẫn chưa nhiệt tình tham gia, hưởng ứng việc xã hội hóa dịch vụ môi trường khiến các đơn vị tham gia dịch vụ thu gom rác thải ở xã, phường gặp nhiều khó khăn, thu không đủ chi. Đơn cử như ở xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar), nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã ngày càng nghiêm trọng, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Ea Kiết đã đề nghị chính quyền địa phương cho đứng ra thành lập tổ dịch vụ môi trường. Để thực hiện tốt công việc, đơn vị này đã tự đầu tư trang thiết bị thu gom rác, tuy nhiên khi vận động nhân dân tham gia ký kết hợp đồng thì chỉ hơn 50% số hộ dân đăng ký, với mức phí mỗi hộ 20.000 đồng/tháng. Theo Ban chủ nhiệm HTX, ước tính mỗi tháng đơn vị phải chịu lỗ khoảng 3 triệu đồng.
Hiện nay, những tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ môi trường ngoài khó khăn về nguồn vốn, kỹ năng chuyên môn phải kể đến sự nhận thức hạn chế và thiếu hợp tác của người dân trong việc đóng phí vệ sinh. Điều này dẫn đến các đơn vị hoạt động ở quy mô nhỏ, lẻ, chưa mở rộng ra các thôn, buôn xa trung tâm… Một vấn đề khiến các đơn vị này hoạt động cầm chừng, không phát triển được là hầu hết họ phải tự “bơi” để tồn tại chứ chính quyền địa phương, cơ quan chức năng chưa có sự hỗ trợ hay có chính sách ưu đãi đặc biệt nào. Do đó, xã hội hóa hay thu hút tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng bãi rác tập trung đang là một việc khó thực hiện.
Ô nhiễm môi trường từ các bãi rác tập trung không chỉ tác động trực tiếp đến môi trường, mà những nơi này còn là ổ dịch bệnh, nơi ruồi muỗi và các vi sinh vật gây bệnh sinh sôi, phát triển ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân; là mối nguy hại cho cuộc sống của cộng đồng dân cư trong vùng. Thiết nghĩ, việc xây dựng bãi rác hợp quy chuẩn là một việc cấp thiết hiện nay nhằm tạo môi trường sống trong lành cho nhân dân.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc