Chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai một cách hiệu quả
Để góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra phụ thuộc rất lớn vào kiến thức và ý thức tự chuẩn bị phòng tránh, ứng phó của từng hộ gia đình, từng người dân. Chỉ có sự chủ động ứng phó của người dân vùng xảy ra thiên tai mới hóa giải được những khó khăn do địa bàn rộng lớn, địa hình hiểm trở và do thiếu phương tiện tiếp cận cứu hộ hiện đại. Thiên tai có thể xuất hiện bất ngờ làm ta trở tay không kịp nhưng mùa mưa, bão lũ thì đến từ từ và luôn được báo trước. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và cộng đồng, nếu mỗi người dân, mỗi gia đình thực hiện tốt những biện pháp dưới đây thì chắc chắn sẽ giảm được rất nhiều mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra:
Đặt bao cát lên mái tôn để hạn chế tốc mái khi có gió bão. |
- Luôn theo dõi tin thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài phát thanh, truyền hình, báo, các trang web,…), các thông báo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để có thể biết trước và chủ động ứng phó với thiên tai.
- Thực hiện thường xuyên việc gia cố, chằng chống nhà cửa để có thể chống chọi được với gió bão, lốc xoáy (sử dụng bao cát để thêm lên các mái tôn hoặc gông mái nhà bằng tre, luồng, thép và dây buộc, đinh, cây gỗ kẹp mái nhà);
- Tìm kiếm và tạo cho gia đình một chỗ trú tránh an toàn dễ dàng di dời đến khi mưa, bão, lũ xảy ra mà nhà ở không còn bảo đảm an toàn.
- Bỏ tất cả các vật dụng quan trọng như tiền, vàng và các giấy tờ vào một cái túi không thấm nước, buộc chặt túi lại và cất vào nơi cao ráo, an toàn nhất.
- Mỗi gia đình cần chuẩn bị sẵn lương thực (gạo, mì tôm,..) và nước uống sạch (đựng vào các chai nhựa), thuốc chữa bệnh,… đủ dùng cho gia đình trong thời gian từ 3 ngày đến một tuần để phòng khi phải di dời tránh bão, lũ thì có thể mang theo hoặc khi bị mưa, bão, lũ chia cắt, cô lập có thể tạm nuôi gia đình trong khi chờ ứng cứu.
- Không chặt phá cây rừng; tích cực trồng cây ở xung quanh nhà, ở những khu đất trống, đồi trọc. Tích cực làm cỏ, chăm bón cho cây trồng; thường xuyên thăm và phát hiện sớm sự xuất hiện của sâu bệnh để thực hiện các biện pháp diệt trừ. Không làm nhà gần khe suối, bờ sông, dưới chân núi cao hay sườn dốc. Không đứng cạnh bờ sông, bờ suối, khu vực sạt lở khi đang có mưa to, gió lớn.
- Nếu thiên tai xảy ra, mọi người cần tuân thủ nghiêm hiệu lệnh của xã, thôn, buôn để thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão, lũ, sạt lở đất gây ra.
- Khi có mưa bão không nên ra khỏi nhà, nhất là người già và trẻ em; không trú ẩn dưới cây to, cột điện nhằm tránh bị điện giật hoặc sét đánh.
- Nếu gặp nước lũ ngập vào nhà cần nhanh chóng ngắt cầu giao điện để tránh bị điện giật, chập cháy; mặc áo phao (nếu có) hoặc bám thật chắc vào một vật nào đó có thể nổi được trên nước (săm xe đã bơm hơi, cây chuối, can nhựa có nắp,…) và nhanh chóng tìm cách di chuyển lên vị trí cao, an toàn hơn. Chú ý đề phòng rắn, rết và côn trùng cắn; không sửa chữa, cầm nắm dây điện khi trời đang mưa bão
- Không lội qua sông, suối khi nước đang chảy xiết hoặc khi nước đang màu trong chuyển sang màu đục; không cố ra sông vớt củi, gỗ khi nước lũ đang lên.
- Nếu đang đi trên đường còn ngập lụt, hãy dùng gậy thọc xuống đường để đo mức nước, đề phòng rơi xuống hố.
- Cần biết rằng thiên tai sẽ kéo theo dịch bệnh, do vậy cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ dùng gia đình, đồ dùng cá nhân; không ăn thức ăn sống; không uống nước chưa đun sôi, sử dụng màn (mùng) khi ngủ; tích cực diệt loăng quăng, ruồi, muỗi để tránh các dịch bệnh về mùa mưa. Vệ sinh chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm; không thả rông gia súc, gia cầm khi có mưa nhiều để tránh phát sinh và lây lan dịch bệnh do thời tiết ẩm ướt gây ra.
Khi bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, lốc xoáy…đã qua, nhân dân vùng ảnh hưởng thiên tai cần chủ động nhanh chóng đưa người bị thương đến trạm xá, bệnh viện, tìm kiếm người còn bị mất tích; sửa chữa, dọn dẹp và vệ sinh nhà cửa, nước rút đến đâu, lau rửa nhà đến đó; chôn xác gia súc, gia cầm bị chết; rắc vôi hoặc phun thuốc khử trùng nơi gia súc gia cầm chết và nơi chôn gia súc gia cầm để xử lý mầm bệnh. Sử dụng nước sạch để ăn, uống; nếu không có nước sạch mà phải dùng nước sông, ao, hồ thì phải lọc và đun sôi kỹ. Nhanh chóng khôi phục chăn nuôi, sản xuất đảm bảo đời sống sau thiên tai.
Nguyễn Văn Huy
Ý kiến bạn đọc