Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường hộ gia đình: Còn nhiều khó khăn
Xả, thải rác, nước sinh hoạt bừa bãi, nuôi gia súc, gia cầm thả rông hoặc làm chuồng ngay cạnh khu vực giếng nước… là tình trạng khá phổ biến ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Điều này đã và đang gây nhiều khó khăn trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường hộ gia đình, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Từ thực trạng mất vệ sinh
Cùng cán bộ Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh khảo sát thực trạng vệ sinh môi trường hộ gia đình trên địa bàn xã Ea Yiêng (huyện Krông Pak) dễ dàng nhận thấy nguồn nước sinh hoạt có nguy cơ bị ô nhiễm bởi phân gia súc, chất thải sinh hoạt. Nguyên nhân là do đa số các buôn không có hệ thống dẫn thoát nước thải, bà con thường để nước sinh hoạt chảy ra vườn, đường đi hoặc các ao hồ, sông suối. Trong khi đó, do thiếu nguồn nước hợp vệ sinh, việc đào giếng gặp nhiều khó khăn nên không ít gia đình phải sử dụng nước từ sông suối, ao hồ phục vụ sinh hoạt. Cũng do khó khăn về nguồn nước, nhiều người đã hạn chế cả việc tắm giặt và lau dọn nhà cửa.
Cán bộ Trung tâm NSH và VSMT tỉnh khảo sát thực tế và tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cho người dân xã Ea Yiêng. |
Một vấn đề đáng quan ngại nữa trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn xã Ea Yiêng chính là tình trạng nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức thả rông. Hầu hết các hộ đều không xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, nếu có thì chỉ trong tình trạng tạm bợ, che chắn đơn sơ. Đáng lo ngại là các hộ đã làm chuồng trại và nhốt trâu, bò, lợn, gà ngay cạnh giếng nước và các nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Hơn nữa, tình trạng người dân tự do vứt các loại rác thải ra môi trường xung quanh vẫn còn rất phổ biến. Những điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất và nguồn nước sinh hoạt của khu vực nông thôn. Qua tìm hiểu được biết, toàn xã có 569 hộ chăn nuôi gia súc, nhưng chỉ có 167 hộ xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh (chiếm 29,35%), còn lại là thả rông hoặc chỉ làm chuồng, trại tạm bợ. Bà Du ở buôn Kon Wang trần tình: “Từ thời ông bà, cha mẹ sinh sống trên vùng đất này đã nuôi heo, bò thả rông xung quanh nhà. Mình chỉ làm theo phong tục thôi, mà hầu như nhà nào cũng vậy nên quen rồi, có thấy ô nhiễm môi trường gì đâu”. Ngoài các vấn đề kể trên thì việc người dân không quan tâm đầu tư xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hoặc đã được hỗ trợ xây dựng nhưng không sử dụng cũng gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường trên địa bàn xã.
Cần giải pháp gỡ khó
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Yiêng cho biết, toàn xã có 1.189 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%. Phần lớn bà con người dân tộc Xê Đăng vẫn giữ nếp sinh hoạt cũ, không đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi mà chỉ làm tạm bợ trong vườn, thậm chí nhiều hộ còn không quan tâm. Trước tình trạng này xã đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con xây dựng nhà tiêu theo hình thức đơn giản, hợp vệ sinh; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, chú trọng cải tạo nhà ở, công trình vệ sinh theo chuẩn nông thôn mới, song hiệu quả đem lại chưa cao.
Theo kết quả Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh năm 2014 đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 4-2015 cho thấy, không chỉ ở xã Ea Yiêng mà phần lớn các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đều chưa thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường. Trong số 303.880 hộ dân nông thôn sinh sống tại 152 xã thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố, chỉ có 179.345 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh (chiếm 59,02%); số hộ chăn nuôi gia súc là 94.986 hộ, nhưng chỉ có 48.025 hộ có chuồng, trại hợp vệ sinh (chiếm 50,5%). Vệ sinh môi trường không bảo đảm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân nông thôn dễ mắc các bệnh về da, hô hấp, suy dinh dưỡng ở trẻ em và bùng phát dịch bệnh…
Để cải thiện tình trạng trên, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn cho người dân, thời gian qua, Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động bà con xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; rửa tay bằng xà phòng, bố trí, sắp xếp, lau dọn nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ. Các cấp, ngành chức năng và các địa phương cũng đã quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các mô hình như: đoạn đường tự quản, tổ thu gom thác rải, ngày chủ nhật xanh… Nhưng do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, vẫn giữ các thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu nên việc thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh môi trường chưa hiệu quả.
Để góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn, thiết nghĩ, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành hữu quan, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Và điều quan trọng là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức phù hợp ngắn gọn sát với trình độ nhận thức, tiếp cận của bà con; đồng thời quan tâm hơn đến việc hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi nhằm tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện có hiệu quả việc bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc