Multimedia Đọc Báo in

Tác hại khó lường từ ô nhiễm không khí

07:00, 05/07/2015
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy đến môi trường. Trong đó, ô nhiễm khí thải ngày càng có xu hướng gia tăng, tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, nhất là những người dân sống tại các thành phố, khu vực đông dân cư.
 
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, ô nhiễm không khí là “sát thủ” môi trường lớn nhất toàn cầu. Ở Việt Nam, theo kết quả thống kê của Bộ Y tế thì cứ 100.000 dân có đến 419 người mắc các bệnh về viêm phổi, 350 viêm họng và viêm amidan cấp, 273 viêm phế quản và viêm tiểu phế quản, mà nguyên nhân chính được xác định là do ô nhiễm không khí.
Thói quen sinh hoạt từ việc đốt các chất thải của con người là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.
Thói quen sinh hoạt từ việc đốt các chất thải của con người là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Tại Dak Lak, theo kết quả quan trắc môi trường tỉnh giai đoạn 2011-2015 của Sở Tài nguyên – Môi trường (TN&MT) tỉnh, tuy nồng độ các thông số cơ bản trong không khí xung quanh khu vực TP. Buôn Ma Thuột và trung tâm các huyện đạt quy chuẩn, nhưng có những thời điểm trên các trục đường giao thông chính, khu vực đô thị có nồng độ bụi, tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép. Thực tế dù chưa đáng lo ngại, nhưng với tình trạng ô nhiễm như hiện nay thì trong những năm tới không loại trừ khả năng sẽ vượt mức cho phép. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông dày đặc, đặc biệt là phương tiện giao thông cá nhân, thải ra lượng lớn khí độc hại như SO2, NO2, CO và tạo ra bụi khí. Bên cạnh giao thông, việc xây dựng, hoạt động của các khu công nghiệp, sinh hoạt gia đình với hình thức đun nấu bằng than, củi… cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Dù tình trạng ô nhiễm không khí ở nước ta hiện nay rất đáng lo ngại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế, thế nhưng việc kiểm soát ô nhiễm không khí lại chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể như cơ chế quản lý môi trường, nhất là môi trường không khí còn nhiều bất cập; việc bảo vệ và chế tài xử phạt những hành vi gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng còn chưa được đề cập chi tiết và cụ thể trong luật; chưa xây dựng được Kế hoạch quản lý chất lượng không khí ở cấp Quốc gia cũng như ở cấp địa phương… Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế, chưa chú trọng đến việc bảo vệ môi trường không khí.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các cơ chế về bảo vệ môi trường không khí; không để tình trạng phương tiện giao thông, hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây bụi mù; nhất là bản thân mỗi người dân phải ý thức trách nhiệm, tiêu dùng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường để mình không phải là “hung thủ” đầu độc cuộc sống của chính mình.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc