Giảm thiểu tác động tiêu cực từ các công trình thủy điện: Tiếng nói từ cộng đồng
Tại Hội thảo “Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường” do Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD) tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vừa qua, người dân chịu ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ những dự án xây dựng thủy điện Buôn Kuốp trên địa bàn xã Ea Na (huyện Krông Ana) đã bày tỏ tiếng nói, kiến nghị của mình với mong muốn giảm bớt những tác động tiêu cực của các công trình thủy điện.
Công trình thủy điện Buôn Kuốp được xây dựng trên sông Sêrêpốk thuộc địa bàn các huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), trong đó buôn Đrai và thôn Ea Tung (xã Ea Na, huyện Krông Ana) là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi nó nằm trong vùng lòng hồ của công trình. Từ khi dự án này được xây dựng, cuộc sống người dân nơi đây dường như bị đảo lộn, những vướng mắc, bức xúc của người dân cũng bắt đầu nảy sinh. Bên cạnh việc bồi thường, hỗ trợ tái định canh, định cư cho các hộ dân chưa hợp lý vẫn còn phát sinh nhiều tác động tiêu cực, thể hiện rõ nhất là môi trường ngày càng biến đổi theo chiều hướng xấu đi. Cụ thể, mực nước biến động thất thường, nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm nặng, đất đai bị sụt lún, sạt lở… khiến rất nhiều người dân mắc phải các căn bệnh như viêm đường ruột, tiêu chảy, bệnh ngoài da… Họ luôn phải sống trong cảnh khốn khổ, lo sợ, thiếu sự quan tâm của các cấp chính quyền, đơn vị liên quan.
Người dân buôn Đgai chờ đò đưa qua sông để mưu sinh. |
Trước những tác động tiêu cực của việc phát triển công trình thủy điện, người dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng mặc dù đã có nhiều phản ánh cũng như kiến nghị các bên liên quan thực hiện biện pháp can thiệp nhằm giảm bớt tác động tiêu cực. Tuy nhiên, hầu hết các nội dung, thông tin nêu ra còn mang tính chất chung chung, thiếu dẫn chứng, đó có thể là nguyên nhân dẫn đến yêu cầu, nguyện vọng của họ không được giải quyết, đáp ứng khiến cuộc sống ngày càng khó khăn. Chính vì thế, tại Hội thảo, ông Y Hai Kbuôr, Trưởng buôn Đrai, tác giả của những bức ảnh phản ánh về đời sống người dân trong buôn chia sẻ: “Sau hơn 6 năm chuyển đến khu tái định cư để sinh sống vẫn chưa ổn định mà luôn phải đối mặt với khó khăn, thiếu thốn; là những nguy hiểm rình rập bởi thiết bị điện trong ngôi nhà tái định cư không bảo đảm an toàn; là nỗi lo hằng ngày phải qua bên kia bờ sông Sêrêpốk (thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) để mưu sinh bằng con đò nhỏ mà không hề có bất kỳ vật dụng bảo hộ nào…”. Với ông Lê Văn Trọng (thôn Ea Tung, xã Ea Na) những bức ảnh do ông chụp lại là bằng chứng xác thực về thủy điện xâm lấn đất đai, hoa màu của người dân, là những ngôi nhà bỏ hoang của những hộ dân từ khi thủy điện đi vào vận hành… Họ vừa là người dân chịu tác động tiêu cực vừa là tác giả của những bức ảnh phản ánh về đời sống kinh tế xã hội và các tác động đến môi trường, cảnh quan, tài nguyên xung quanh khu vực lòng hồ các công trình thủy điện.
Được biết, CSRD đã triển khai, xây dựng 5 nhóm nghiên cứu những biến động trong cuộc sống và môi trường tại địa phương do thủy điện gây ra. Mục tiêu của các nhóm này là đưa ra những thông tin chi tiết về những tác động cũng như đề xuất các giải pháp. Bà Lâm Thị Thu Sửu, Giám đốc CSRD cho biết: “Để có các thông tin chi tiết về những ảnh hưởng của thủy điện đến môi trường và cuộc sống của người dân, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa thì việc khai thác tri thức bản địa, những người chứng kiến và chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp là rất quan trọng. Đây sẽ là cơ sở để đối thoại với chính quyền và các bên liên quan để thúc đẩy hơn nữa quá trình cải thiện nhằm mang lại những thay đổi tích cực. Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường trước tình trạng suy thoái do con người và biến đổi khí hậu; qua đó kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ”.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc