Bảo tồn động vật hoang dã còn những khó khăn
Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 16 quốc gia trên thế giới có tính đa dạng sinh học cao, trong đó có hệ động vật hoang dã (ĐVHD). Tuy lực lượng các ngành chức năng trong cả nước đã tăng cường nhiều biện pháp tuần tra, kiểm soát nhưng tình trạng săn bắt, mua bán, vận chuyện ĐVHD trái phép diễn ra phức tạp…
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, cả nước hiện có có 31 VQG, 58 khu dự trữ thiên nhiên, 10 khu bảo tồn loài - sinh cảnh, 45 khu bảo vệ cảnh quan, 20 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học với tổng diện tích trên 2,1 triệu ha, là nơi cư trú của trên 7.000 loài thực vật bậc cao, 300 loài thú, 840 loài chim, 380 loài bò sát..., có vai trò đặc biệt quan trọng để bảo tồn các loài đa dạng sinh học, các giá trị cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu của vùng, cung cấp dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ sinh thái khác cho nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm soát buôn bán các loài hoang dã đã được xây dựng phù hợp những quy định quốc tế, trong đó có các quy định của CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng). Cùng với đó là việc thành lập ban chỉ đạo liên ngành về thực thi pháp luật loài hoang dã của Việt Nam (Việt Nam - WEN) sẽ là các cơ sở pháp lý cho cuộc chiến chống buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã. Số liệu từ Chi cục Kiểm lâm vùng IV cho thấy từ giai đoạn 2010 - 2014, lực lượng kiểm lâm trên cả nước đã phát hiện và xử lý 3.823 vụ vi phạm về quản lý ĐVHD, tịch thu 58.869 các thể, trong đó 3.078 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm. Tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD tại Việt Nam không chỉ phá hủy hệ sinh thái, làm tổn thương đến đa dạng sinh học, đẩy nhiều loài ĐVHD bị tuyệt chủng hoặc tiến tới bờ của sự tuyệt chủng… mà còn ảnh hưởng tới tập quán tiêu dùng thực phẩm và nhất là hình ảnh, uy tín của đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Tổ chức thả cá thể khỉ vào rừng tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. |
Tại Hội nghị giao ban các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) được tổ chức vào đầu tháng 12-2015, đại diện lãnh đạo của Vườn Quốc gia Cát Bà nêu lên thực trạng nạn săn bắt, mua bán ĐVHD trái phép đã đe dọa đến các loài động vật hoang dã nói chung và loài voọc Cát Bà nói riêng. Quần thể voọc Cát Bà đã bị chia cắt nghiêm trọng thành những quần thể nhỏ hơn, một số đàn chỉ còn lại cá thể cái. Những quần thể này coi như đã bị tuyệt chủng về mặt sinh thái học, chúng không có ý nghĩa trong bảo tồn nếu không có sự can thiệp của con người. Cho nên hoạt động bảo tồn loài voọc này được xác định là hoạt động ưu tiên trong các hoạt động bảo tồn của vườn. Năm 2006, vườn đã thành lập khu bảo tồn nghiêm ngặt dành cho loài voọc này với diện tích trên 1.762 ha nhằm tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo vệ nghiêm ngặt các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Hiện tại, Vườn Quốc gia Cát Bà cũng đang tiếp tục xây dựng kế hoạch di dời các thể voọc ở khu vực khác vào khu bảo tồn nghiêm ngặt để loài này được bảo vệ tốt hơn, duy trì các tổ bảo vệ rừng các xã, thực hiện hiệu quả chương trình người gác voọc, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế.
Tại Đắk Lắk, sự tác động của con người cũng đã làm diện tích rừng tự nhiên đang dần bị thu hẹp, sinh cảnh rừng thay đổi, thêm với nạn săn bắt động vật bừa bãi đã đe dọa đến sự đa dạng sinh học, cũng như sự sinh tồn của các loài ĐVHD. Nhiều khu rừng nguyên sinh như Nam Ka, Chư Yang Sin, Yok Đôn trước đây có những đàn động vật với số lượng lớn nay đã giảm đến mức lo ngại, trong đó nhiều loài có nguy cơ bị xóa sổ như nai cà tong, hươu đầm lầy, cá sấu nước ngọt. Nhiều loài có trong sách đỏ thế giới: trâu rừng, bò tót, chà vá… cũng không nằm ngoài sự đe dọa của vấn nạn săn bắt, mua bán này. Một trong những loài trước đây có xuất hiện ở rừng Yok Đôn nhưng nay đã vắng bóng là bò xám. Tương tự, nạn săn bắt ĐVHD trái phép tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cũng gia tăng trong những năm gần đây, khiến sự đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng đang suy giảm nghiêm trọng.
Ông Lê Đắc Ý, Giám đốc Khu BTTN Ea Sô cho biết, công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu, dân số vùng đệm tăng, nhiều diện tích rừng bị thu hẹp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng săn bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản trái phép ngày càng gia tăng... Và mặc dù đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhưng việc thực thi chưa đủ mạnh để có thể ngăn chặn triệt để việc buôn bán trái phép. Thêm vào đó, nhận thức của người dân về bảo tồn thiên nhiên, giá trị của đa dạng sinh học, hiểu biết các văn bản pháp luật và quy định của luật pháp liên quan đến bảo tồn còn hạn chế. Và quan trọng hơn cả là với thói quen sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD. Chính vì vậy, cần rà soát sửa đổi các quy định về tội phạm liên quan đến ĐVHD, đồng thời các ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý bảo vệ, nhất là cần chế tài đủ mạnh để xử lý đối với những người sử dụng và tiêu thụ các sản phẩm được cho là “đặc sản” này.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc