Cảnh báo tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (Kỳ I)
Kỳ I: Tùy tiện sử dụng thuốc bảo vệ thực vật - Lợi bất cập hại
Thuốc bảo vệ thực vật có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, nhưng nó cũng là con dao 2 lưỡi dẫn đến những hậu họa khôn lường, nhất là đối với sức khỏe con người và môi trường.
Dùng thuốc BVTV theo... cảm tính!
Một lần đi qua cánh đồng lúa và rẫy cà phê của người dân ở thôn Kiến Xương, xã Buôn Triết (huyện Lắk), chúng tôi bắt gặp hình ảnh những chai lọ thuốc BVTV nằm ngổn ngang trên bờ, dưới ruộng, bờ ao… Hỏi ông Trần Xuân Doãn, một người dân sống trong khu vực được biết, đây là những chai lọ, bao bì thuốc của người dân bỏ lại sau khi bón cho cây trồng. Vừa qua, tình trạng sâu bệnh xảy ra thường xuyên nên các hộ dân “thi” nhau bơm thuốc để bảo vệ cho diện tích cây trồng của gia đình. Tuy nhiên do không có ai giám sát, quản lý nên chai lọ “tiện đâu vứt đó”. Điều đáng nói hơn là lượng thuốc BVTV được sử dụng gấp 2 - 3 lần so với bình thường bởi theo quan niệm của người dân khi phun thuốc với liều lượng cao, độc tính cao (vượt mức khuyến cáo) sẽ giúp ngăn ngừa dịch hại, sâu bệnh chết nhiều, nhanh hơn và sản phẩm thu hoạch cũng sẽ tăng cao. Chính vì thế, hầu hết ở các vùng nông thôn, nhiều hộ dân “mạnh ai nấy phun” vì họ sợ rằng khi ruộng nhà bên cạnh phun thuốc mà nhà mình không phun thì cây trồng sẽ nhiễm sâu bệnh, cho năng suất kém.
Người dân không trang bị bảo hộ lao động trong khi bơm thuốc BVTV cho cây trồng. |
Trong những năm gần đây, do thâm canh tăng vụ, tăng diện tích và thay đổi cơ cấu giống cây trồng nên có những mùa vụ tình hình dịch bệnh diễn ra khá phức tạp, kéo theo đó số lượng và chủng loại thuốc BVTV sử dụng cũng tăng lên. Theo các cán bộ chuyên môn, khi cây trồng xuất hiện các loại sâu, dịch bệnh ở mật độ nhẹ người dân nên sử dụng các biện pháp thủ công, hoặc các loại thuốc dòng sinh học để phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ môi trường; thế nhưng thực tế đa phần bà con nông dân đều không thực hiện như khuyến cáo mà thường sử dụng các loại thuốc đặc trị, có hiệu quả tức thời; đồng thời, với tâm lý muốn diệt sâu nhanh nên tăng liều lượng, sử dụng thuốc cực độc để bảo vệ cây trồng, tăng năng suất, sản lượng. Không những thế, thời gian qua, hiện tượng các hộ dân, thương lái thu mua các loại hoa quả như sầu riêng, bơ, mít, chuối… còn non rồi sử dụng các loại hóa chất, thuốc kích thích để ngâm, ủ hoặc bơm trực tiếp để giữ độ tươi, chín đều, kéo dài “tuổi thọ” diễn ra khá phổ biến, gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng.
Thuốc bảo vệ thực vật - con dao hai lưỡi
Thực tế hiện nay, mặc dù nhiều địa phương trong tỉnh đã nhân rộng các mô hình tận dụng phế phẩm làm phân bón vi sinh nhưng đại đa số nông dân vẫn dựa vào thuốc BVTV hóa học để sản xuất nông, lâm nghiệp là chính. Việc sử dụng thuốc BVTV của người dân hiện nay rất tùy tiện, không đúng loại thuốc, không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó do hầu hết người dân không được trang bị bảo hộ lao động (quần áo dài tay, nón, ủng, găng tay, khẩu trang, mắt kiếng) khi pha, phun thuốc; bình phun rò rỉ; súc rửa bình phun ở sông, rạch; vứt bừa bãi vỏ chai, bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng, nương rẫy... không những tác hại đến cây trồng, nguồn nước, tài nguyên đất mà những người thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là người sản xuất và người tiêu dùng. Gặp anh Hoàng Đức Ngọc, một người dân xã Cư K’bang (huyện Ea Súp) đang bơm thuốc BVTV trên đồng ruộng, được biết, từ trước đến nay, mỗi lần bơm thuốc hay bón phân cho cây trồng anh cũng như hầu hết các hộ dân nơi đây chẳng trang bị bảo hộ lao động, kể cả khẩu trang, mà hầu hết chỉ mang bình lên lưng rồi đi bơm. Thậm chí, có người đi bơm thuốc về chỉ rửa tay chân qua loa chứ chẳng tắm giặt, thay áo quần.
Chai lọ, bao bì thuốc BVTV do người dân vứt bừa bãi cạnh ao, hồ ở thôn Kiến Xương, xã Buôn Triết (huyện Lắk). |
Việc sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng theo đúng quy trình, kỹ thuật sẽ đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp như đẩy lùi tác hại của sâu, bệnh, cỏ dại và các sinh vật gây hại khác đối với cây trồng và nông sản một cách nhanh chóng; đảm bảo cho các giống tốt phát huy được các đặc tính ưu việt, giúp cây trồng tận dụng được điều kiện thuận lợi của các biện pháp thâm canh; cho tăng năng suất và chất lượng nông sản, đem lại lợi nhuận cao cho người dân... Tuy nhiên bên cạnh đó, nó cũng gây không ít tác hại: diệt các loại côn trùng có lợi cho cây trồng, gây nhờn thuốc, loại thuốc có khả năng bay hơi sẽ gây hại cho người phun cũng như người đi đường, thoái hóa tài nguyên đất, ảnh hưởng xấu sức khỏe con người. Không chỉ vậy, lượng rác thải từ bao bì bảo quản thuốc BVTV nếu không được xử lý cũng tác động đến môi trường xung quanh. Một điều đáng nói nữa là việc lạm dụng thuốc BVTV làm tăng chi phí sản xuất. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45-50%. Điều đó có nghĩa là nông dân cứ bón 100 kg phân urê hoặc NPK vào đất thì chỉ có 45-50 kg được cây trồng hấp thụ, số còn lại bị rửa trôi, gây ô nhiễm đất, nước. Số liệu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, trung bình mỗi năm, việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV không đúng cách trên cả nước đã gây lãng phí hơn 2 tỷ USD.
(Còn nữa)
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc