Gắn kết cộng đồng bảo vệ tài nguyên nước
Sử dụng hoang phí, chưa có ý thức tiết kiệm nước, khai thác tràn lan và việc nhận thức chưa đầy đủ về bảo vệ tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã và đang khiến nguồn nước mặt và nước ngầm bị suy kiệt…
Tài nguyên nước… suy kiệt
Trước thực tế thời tiết diễn biến thất thường, lượng mưa hằng năm không đủ bồi đắp nguồn nước ngầm hao hụt, trong khi nhu cầu sử dụng nước của người dân ngày càng tăng đã khiến tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Được biết, toàn tỉnh có trên 200.000 ha cà phê, trong đó trên 50% diện tích lấy nước tưới từ các giếng đào và giếng khoan. Theo quy trình kỹ thuật, đối với cà phê trồng mới, trong năm đầu chỉ cần tưới 120 lít nước/gốc/lần, chu kỳ tưới 20 - 22 ngày và 2 năm tiếp theo nâng gấp đôi lượng nước tưới với chu kỳ 22 - 25 ngày; đối với cà phê thời kỳ kinh doanh, lượng nước tưới chỉ cần khoảng 500 lít/gốc/lần. Nhưng trên thực tế, người trồng cà phê vẫn có thói quen tưới từ 4-5 lần trong suốt mùa khô với khối lượng nước cho mỗi lần lên tới 600 - 700 lít/gốc, như vậy đã gây lãng phí lượng nước tưới từ 300 - 400 lít/gốc. Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên nước của các tổ chức, hộ gia đình một cách vô tội vạ và lãng phí đã khiến nguồn nước ngầm dần suy kiệt. Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT, hiện toàn tỉnh chỉ mới cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất cho 30 đơn vị, trong khi đó, theo số liệu điều tra của các huyện, thực tế có hàng trăm tổ chức hành nghề này, trong đó có huyện có từ 50-60 đơn vị. Việc các tổ chức và cá nhân khoan, đào giếng thường không xin giấy phép, không thực hiện biện pháp thăm dò đã dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy khoan” mà không lường trước hậu quả.
Người dân bơm nước từ đập dâng Cuôr K’bông (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) tưới cho cây trồng. |
Cùng với đó, do thời tiết, khí hậu đang có sự biến đổi theo xu hướng bất lợi, nạn phá rừng khó kiểm soát, các công tình thủy điện được xây dựng ngăn dòng chảy, diện tích cây trồng phát triển không cân đối kéo theo nhu cầu về nước tưới tăng cao cũng như nguồn tài nguồn nước trên địa bàn tỉnh đứng trước nhiều thách thức. Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT, năm nay, mặc dù chỉ mới bước vào mùa khô chưa lâu, nhưng toàn tỉnh đã có 56 hồ, đập nhỏ đã hoàn toàn khô; dự kiến đến cuối tháng 3 sẽ có trên 250 hồ bị cạn nước… Bên cạnh đó, đã có 5.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt (nước giếng đào), điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất sinh hoạt của nhân dân, chủ yếu ở các huyện: Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Búk, Buôn Đôn, Krông Ana… Ông Nguyễn Văn Tuyền, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, những năm gần đây, nguồn nước mặt và nước ngầm đang có chiều hướng suy giảm, đặc biệt vào mùa khô. Đến thời điểm này, tại các điểm, hố khoan giảm từ 3 đến 6m nước so với cùng kỳ năm ngoái; dòng chảy ở các dòng sông, suối chỉ đạt từ 30-50%. Như vậy, dự báo trong thời gian tới lượng nước phục vụ cho tưới tiêu và sinh hoạt của nhân dân sẽ tiếp tục giảm mạnh.
Nhân viên ty TNHH Một thành viên Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk kiểm tra nguồn nước tại Trạm bơm Kotam |
Trách nhiệm không của riêng ai
Nước sạch là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, nếu tình trạng khai thác và sử dụng không hợp lý như hiện nay còn tiếp diễn thì tương lai sẽ còn thiếu nước trầm trọng. Bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước là vấn đề không chỉ của riêng ngành quản lý, mà trước hết là mỗi người phải thay đổi thói quen, suy nghĩ của mình trong từng hành động. Trong khi chờ đợi các cấp, ngành đưa ra các giải pháp lâu dài để bảo vệ mực nước ngầm thì trước mắt, người dân cần sử dụng nước tiết kiệm. Đơn giản như cách làm của bà Nguyễn Thị Hương (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) khi từ nhiều năm nay luôn hứng nước mưa để hạn chế sử dụng nguồn nước máy. Được biết, gia đình bà có gần 10 khẩu, theo đó vào mùa cao điểm có ngày dùng hết 1m3 nước để phục vụ sinh hoạt, tiền nước phải trả không hề nhỏ. Vì thế, bà thường sử dụng các loại xô, chậu, thùng phi để hứng nước mưa giặt áo quần, lau chùi nhà cửa. Bà Hương chia sẻ, lúc trước ở quê (Thái Bình), gia đình bà và các hộ dân khác cũng xây bể chứa nước mưa để sử dụng khi mùa hè đến, nhờ đó không phải lo lắng thiếu nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt. Vào Đắk Lắk do không có điều kiện xây dựng bể nên phải mua các loại xô, thùng nhựa về chứa. Dù chỉ có thể tiết kiệm trong mùa mưa, nhưng cách làm này của gia đình bà Hương đã góp phần vừa tiết kiệm cho gia đình vừa tiết kiệm nguồn nước chung cho toàn xã hội. Hay như cách làm của Hội Nông dân xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) trong việc vận động nhân dân trồng cây che bóng mát để hạn chế nguồn nước tưới cho cây trồng; sử dụng mô hình tưới nhỏ giọt; tận dụng nguồn nước sông, suối để giặt rửa, tưới cho hoa màu…
Người dân xã Chư Suê (huyện Cư M’gar) sử dụng nguồn nước suối phục vụ sinh hoạt. |
Trước những thách thức về tài nguyên nước, để đảm bảo phát triển nguồn nước bền vững phục vụ đủ cho nhu cầu đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, thiết nghĩ địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên – môi trường, bên cạnh tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức BVMT cho người dân; tích cực kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không tuân thủ quy định, nhất là việc khoan nước dưới đất của các đơn vị (không có giấy phép) ở khu đông dân cư, vùng trồng nhiều cà phê; thăm dò, kiểm tra và ban hành quy định về khu vực cấm hoặc hạn chế việc khai thác nước ngầm để tái tạo nguồn nước; đẩy mạnh công tác trồng rừng, nhất là trồng rừng thay thế sau khi xây dựng các công trình thủy điện để duy trì độ che phủ…
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc