Multimedia Đọc Báo in

Hội Nông dân xã Ea Kpam: Đa dạng các mô hình bảo vệ môi trường

09:01, 04/03/2016

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường và chống biến đối khí hậu, Hội Nông dân xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) đã triển khai nhiều mô hình, cách làm thiết thực như: tham gia dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt, ủ phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp, trồng cây che bóng để tiết kiệm nước tưới, hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật…

Để nhận rộng các mô hình trên, Hội Nông dân xã đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống nhân dân. Tình trạng hạn hán dẫn đến thiếu nước sinh hoạt và sản xuất làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng diễn ra trên thực tế những năm qua đã làm thay đổi nhận thức và thói quen của nhiều người. Cụ thể, trước đây tình trạng đổ rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường diễn ra khá phổ biến trong các khu dân cư, tuy nhiên từ hơn 2 năm nay, nhờ dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt được triển khai tại 9/9 thôn, buôn đã góp phần tạo cảnh quan thoáng mát, sạch, đẹp. Điều đáng nói là việc 100% hộ dân trên địa bàn xã tham gia và đóng phí hằng tháng đầy đủ (15.000 đồng/tháng) đã thể hiện ý thức, trách nhiệm của mỗi gia đình trong công tác bảo vệ môi trường. Song song đó, Hội đã triển khai nhiều hoạt động sản xuất gắn với việc bảo vệ môi trường như tập huấn, chuyển giao và khuyến khích nông dân tăng cường xử lý phế phẩm nông nghiệp sản xuất phân hữu cơ vi sinh để duy trì độ phì nhiêu của đất, tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu tư, góp phần vào sản xuất nông nghiệp bền vững. Chị Nguyễn Thị Bình (thôn 6) chia sẻ: “Những năm trước đây, gia đình tôi thường sử dụng phân bón hóa học cho hơn 1 ha diện tích đất trồng cây cà phê và tiêu, khiến đất càng ngày càng cằn cỗi, bạc màu, cây sinh trưởng kém, năng suất thấp. 2 năm nay tôi bắt đầu ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê để bón cho cây trồng nhằm tận dụng phế phẩm như vỏ cà phê và phân chuồng, vừa giảm trên 30% chi phí đầu tư so với phân bón hóa học, vừa khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc đốt vỏ cà phê, làm tăng độ phì nhiêu cho đất”. Được biết, hiện có khoảng 95% hộ gia đình trên địa bàn xã áp dụng cách làm này, trung bình mỗi năm xử lý khoảng gần 2.000 tấn vỏ cà phê, tiết kiệm được chi phí đầu tư cho nông dân gần 6 tỷ đồng.
Nông dân xã Ea Kpam chia sẻ kinh nghiệm sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp.
Nông dân xã Ea Kpam chia sẻ kinh nghiệm sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cây chắn gió; khai thác sử dụng nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng hợp lý, theo quy trình nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng nước lãng phí; triển khai mô hình trình diễn hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho cây cà phê, tiêu. Trong chăn nuôi, ngoài việc sử dụng các chế phẩm sinh học và đệm sinh học để  tăng tỉ lệ hấp thụ thức ăn và phân hủy chất thải gia súc không gây phát thải mùi hôi thối ra môi trường, Hội còn hỗ trợ các hộ dân xây dựng hệ thống hầm biogas tạo chất đốt phục vụ cho đời sống sinh hoạt. Một trong những biện pháp bảo vệ môi trường được nông dân tích cực thực hiện là hạn chế sử dụng, đồng thời thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình. Nhờ đó, tại các cánh đồng, tuyến kênh thủy lợi ở xã Ea Kpam, tình trạng chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt trên bờ ruộng, dưới kênh mương không còn phổ biến như trước mà phần lớn được người dân chủ động thu gom, xử lý. Đặc biệt, các nội dung thực hiện nếp sống văn minh đã được cụ thể hóa, như trong việc cưới không được sử dụng thuốc lá nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền để khắc phục ô nhiễm môi trường; việc tang không rải vàng mã, gạo tiền... được 100% các hộ gia đình trên địa bàn đăng ký cam kết thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kpam cho biết: “Xác định vai trò chủ thể của nông dân trong công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, Hội Nông dân xã đã triển khai nhiều mô hình như: xây dựng hầm biogas, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, trồng cây che bóng mát, sử dụng điện lưới trong việc tưới tiêu… bởi một khi hoạt động bảo vệ môi trường gắn vào lợi ích kinh tế của người dân thì họ sẽ tích cực hưởng ứng. Cũng nhờ đó, hội viên nông dân đã từng bước ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng môi trường xanh sạch đẹp”. Với những kết quả trên, từ năm 2014, xã Ea Kpam đã hoàn thành tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn xã có 98% hộ gia đình có 3 công trình gồm nhà tắm, hố tiêu, chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh; đã trồng hơn 1.500 cây xanh ở dọc các tuyến đường liên thôn, tỉnh lộ, đường vào nghĩa trang và khuôn viên nghĩa trang...

Có thể nói, những mô hình bảo vệ môi trường nông thôn gắn với phong trào sản xuất, kinh doanh do Hội Nông dân xã Ea Kpam phát động không chỉ là cơ hội để nông dân được tham gia trao đổi, học tập kinh nghiệm về phương pháp, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, vươn lên làm giàu mà còn là cách làm có hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc