Giải pháp nào cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn?
Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn ngày càng đáng báo động, từ chất thải, rác thải sinh hoạt, chăn nuôi đến sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp…
Xả rác bừa bãi
Dọc các tuyến đường trong khu vực đông đân cư, chợ nông thôn ở một số huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Bông, Krông Ana… dễ dàng bắt gặp những bãi rác lộ thiên tự phát lẫn cả rác thải sinh hoạt và xác gia súc, gia cầm… Mùi hôi thối nồng nặc, trở thành nỗi ám ảnh cho người dân. Chính thói quen đổ rác thải bừa bãi của người dân đã làm môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó, dịch vụ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải ở khu vực nông thôn hiện chưa phát triển đúng mức, thiếu quy hoạch bãi rác tập trung, nhiều người lại coi vệ sinh đường làng ngõ xóm không phải là việc của cá nhân mình nên cứ vô tư xả rác bừa bãi.
Người dân thôn 2 xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc) chăn nuôi heo thả rông gây ô nhiễm môi trường. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại địa bàn một số xã Ea Yiêng, Ea Kly (huyện Krông Pắc); xã Ea Bar, Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn); xã Cư Sê (huyện Cư M’gar)…, do nhu cầu phát triển kinh tế, người dân mở rộng quy mô chuồng trại nhưng lại không thay đổi phương thức chăn nuôi, đa phần vẫn theo hình thức truyền thống, làm chuồng trại ngay trong khuôn viên nhà ở nên chất thải cùng thức ăn thừa của gia súc, gia cầm “vô tư” thải ra rãnh nước đường làng ngõ xóm, mương máng, ao hồ. Đây chính là môi trường thuận lợi để ruồi, muỗi, các ký sinh trùng gây bệnh phát sinh, phát tán vào không khí và nguồn nước sinh hoạt. Theo lý giải của người dân thì việc làm chuồng trại gần nhà là để dễ dàng trông coi, làm xa nhà, khuất tầm nhìn dễ mất trộm. Biết rằng điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, nhưng để đầu tư chuồng trại chăn nuôi theo mô hình khép kín, kèm hệ thống xử lý chất thải phù hợp thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện.
Bên cạnh đó, việc chế biến nông sản dạng thủ công như các lò sấy bằng than củi, chạy máy nổ để xay cà phê…, đã thải trực tiếp khói, bụi ra môi trường khu vực dân cư sinh sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe gia đình và người dân xung quanh. Chưa hết, đối với việc sản xuất cây trồng, môi trường nông thôn còn bị đe dọa bởi tình trạng người dân lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp, sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật với liều lượng cao, thiếu kiểm soát. Điều này đã phát tán chất độc hại, ô nhiễm trực tiếp ra không khí, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe cộng đồng.
Đâu là giải pháp?
Hiện nay, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đang được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh với nhiều tiêu chí, trong đó tiêu chí môi trường được đánh giá là khó hoàn thành nhất. Mặc dù đã có không ít địa phương thực hiện các liệu pháp như thành lập tổ dịch vụ thu gom rác thải, quy hoạch bãi rác tập trung, đào hố chôn bao bì thuốc bảo vệ thực vật… nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ), để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, xã đang tích cực lồng ghép vào chương trình xây dựng NTM, kêu gọi các gia đình tự thu gom rác thải sinh hoạt đưa đến khu vực xa dân cư để đốt; bao bì phân bón, thuốc trừ sâu sau khi sử dụng phải chôn lấp cẩn thận. Thế nhưng vẫn không có mấy hộ dân nghiêm túc thực hiện, khiến việc xử lý rác thải trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn. Về lâu dài, đây không phải là cách làm phù hợp vì nó chưa giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường.
Còn tại địa bàn xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar), vấn đề khó khăn là việc tuyên truyền, vận động người dân (nhất là đồng bào dân tộc thiểu số) thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông truyền thống sang nuôi nhốt tập trung, tách biệt khu dân cư. Ông Nguyễn Quang Dáp, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, những năm gần đây, trên địa bàn đã có một số hộ dân thực hiện việc xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng cách xây hầm biogas, không xả trực tiếp ra môi trường. Trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã nâng cao ý thức hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân xanh, phân hữu cơ tại chỗ kết hợp với phân hóa học, ít dùng phân tươi bón trực tiếp cho rau xanh, hoa màu gây ô nhiễm. Tuy nhiên, mới chỉ số ít người ý thức được việc bảo vệ môi trường. Để hoàn thành tiêu chí môi trường thì còn là vấn đề dài hơi.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho hay, ngay từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện tiêu chí 17 về môi trường giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Song đến nay, do nhiều nguyên nhân khách quan, số xã đạt tiêu chí này vẫn còn ít. Hằng năm, Chi cục đã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch vận động, tuyên truyền cộng đồng thay đổi tập quán, thói quen xả rác tùy tiện; lồng ghép việc phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong mô hình xây dựng NTM. Theo ông Tùng, để ngăn chặn, khắc phục và xử lý có hiệu quả những hành vi gây ô nhiễm môi trường, các ngành chức năng và địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh việc huy động nguồn lực tại chỗ xây dựng công trình vệ sinh công cộng, nhất là tổ chức việc thu gom rác thải. Có làm được như vậy thì vấn đề rác thải và môi trường nông thôn mới được cải thiện, người dân không còn phải lo “sống chung với rác” và tiêu chí môi trường sẽ không còn là vấn đề nan giải.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc