Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp: Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai
Mặc dù mới đi vào hoạt động (từ 1-1-2016), còn gặp nhiều khó khăn nhưng Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) một cấp (Sở TN&MT) đã thể hiện tính chuyên nghiệp, thống nhất trong việc giải quyết các vướng mắc pháp lý của người dân về lĩnh vực đất đai.
Thống nhất việc quản lý hồ sơ đất đai
Văn phòng ĐKĐĐ một cấp được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh thuộc Sở TN&MT và 15 Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng TN&MT các huyện, thị xã, thành phố. Hiện nay, trụ sở chính đặt tại Sở TN&MT và 15 chi nhánh tại 15 huyện, thị xã thành phố với chức năng thực hiện đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai và cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Thực tế qua 3 tháng hoạt động cho thấy, việc thống nhất một đầu mối chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý đất đai đã giải quyết nhiều vướng mắc, tồn tại trong hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) 2 cấp lúc trước. Văn phòng đã thể hiện rõ tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ ĐKĐĐ, cấp giấy chứng nhận; hoạt động ĐKĐĐ có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất; bảo đảm giải quyết thủ tục ĐKĐĐ, tài sản gắn liền với đất một cách đơn giản, thuận tiện theo cơ chế “một cửa”; chất lượng thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận được nâng cao; thời gian thực hiện các thủ tục được nhanh gọn hơn...
Nhân viên Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh tiếp nhận và xử lý hồ sơ từ các chi nhánh gửi lên qua đường truyền hệ thống riêng. |
Nếu như trước đây, hồ sơ ĐKĐĐ, cấp giấy chứng nhận QSDĐ của hộ gia đình, cá nhân được văn phòng đăng ký các huyện, thị, thành phố thực hiện theo quy định và trình UBND huyện, thị, thành phố ký giấy chứng nhận, thì hiện nay, được các chi nhánh tiếp nhận, thụ lý và chuyển về Văn phòng trình Sở TN&MT ký giấy chứng nhận. Cụ thể, theo mô hình một cấp, hồ sơ cấp, đổi, cấp lại, chuyển nhượng, cho tặng… đất đai do các cá nhân, hộ gia đình nộp tại chi nhánh Văn phòng ĐKDĐ cấp huyện, sau thời gian 5 - 7 ngày kiểm tra, thẩm định hồ sơ sẽ được chuyển lên Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh. Tại đây, sau khi rà soát, chỉnh lý phù hợp với quy định Luật Đất đai năm 2013, thông tin hồ sơ đất đai được chuyên viên nhập vào cơ sở dữ liệu địa chính; đồng thời, trình lãnh đạo Sở TN&MT ký, cấp giấy chứng nhận rồi trả về UBND các huyện trao quyền cho người dân. Theo số liệu thống kê, từ khi Văn phòng đi vào hoạt động, đến nay đã giải quyết khoảng 50.000 hồ sơ đăng ký đất đai các loại của toàn tỉnh; trong đó, TP. Buôn Ma Thuột đã tiếp nhận và giải quyết hơn 7.230 hồ sơ; đặc biệt không để xảy ra tình trạng hẹn trả hồ sơ lần thứ 2.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Do mới đưa vào hoạt động nên quá trình thực hiện ĐKĐĐ một cấp vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về quy trình làm việc, mọi thông tin được số hóa và lưu chuyển qua hệ thống mạng nội bộ nên bước đầu triển còn gặp nhiều trở ngại. Các chi nhánh đều thiếu nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyên môn, hiện chỉ mới có 260 cán bộ công tác tại văn phòng chính và các chi nhánh, trong khi đó theo đề án thành lập thì nhu cầu thực tế phải cần khoảng 310 người. Với số lượng hồ sơ quá nhiều, cán bộ, nhân viên Văn phòng và các chi nhánh phải thường xuyên làm thêm ngoài giờ, kể cả ngày nghỉ để giải quyết hồ sơ, trả kết quả đúng hẹn cho người dân. Không những thế, do thiếu thốn cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc nên hiện nay, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hầu hết đều phải mượn tạm phòng làm việc của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; để khắc phục những khó khăn trước mắt do thiếu kho lưu trữ hồ sơ, máy in A3 để in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiếu máy scan... các cán bộ, nhân viên chi nhánh phải sử dụng máy ảnh hoặc điện thoại có chức năng chụp ảnh để chụp hồ sơ chuyển lên Văn phòng ĐKĐĐ cấp tỉnh lưu vào hệ thống.
Một khó khăn nữa là do bắt đầu thực hiện mô hình, tiếp cận hệ thống máy móc mới nên hầu hết nhân viên các chi nhánh chưa quen với cách làm dẫn đến khi chuyển hồ sơ lên Văn phòng vẫn còn nhiều sai sót, phải điều chỉnh nhiều lần, nhất là trong việc thực hiện các hồ sơ đăng ký cấp QSDĐ lần đầu và đăng ký biến động, tách thửa, sang nhượng. Ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh cho biết, để bảo đảm hoạt động của hệ thống, Văn phòng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư trang thiết bị cần thiết, đặc biệt là việc xây dựng đường truyền quản lý cơ sở dữ liệu địa chính với kinh phí khoảng 3,3 tỷ đồng. Nếu được đầu tư thì Văn phòng ĐKĐĐ mới thực sự hoạt động có hiệu quả và thuận lợi, bởi việc lưu chuyển, quản lý hồ sơ đất đai phải hoạt động liên tục, nếu bị trục trặc phải tạm dừng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc