11:46, 11/07/2016
Rác thải y tế bao gồm kim tiêm, bông băng dính máu, các loại bệnh phẩm thải ra trong quá trình khám, chữa bệnh. Đây là một trong những loại rác nguy hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên, việc xử lý loại rác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại những cơ sở y tế tư nhân.
Tại TP. Buôn Ma Thuột, vẫn xảy ra tình trạng nhiều cơ sở y tế tư nhân, phòng khám tư lén lút bỏ rác thải y tế chung với rác thải sinh hoạt ra ngoài lòng đường, vỉa hè. Trên một số tuyến đường có nhiều phòng khám, cơ sở chữa bệnh tư nhân như Phan Chu Trinh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trần Phú…, có thể phát hiện một số bịch rác thải y tế trong đó có bao tay, bông băng, gạc còn dính máu… được bỏ trong túi nylon rất sơ sài tại một số điểm tập trung rác thải sinh hoạt; có nơi rác thải y tế được bỏ trong bao nylon rồi để rác thải sinh hoạt lên trên hoặc để chung với vỏ hộp thuốc, bao nylon đựng kim tiêm…
Được biết, theo quy định, điều kiện để một phòng khám chữa bệnh tư nhân được cấp giấy phép hoạt động thì phòng khám đó phải ký 2 loại hợp đồng thu gom rác: 1 hợp đồng thu gom rác thải sinh hoạt với Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Đắk Lắk và 1 hợp đồng xử lý rác thải y tế với một cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý rác thải y tế. Tuy nhiên, theo một đại diện Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường tỉnh cho biết, dù đã ký hợp đồng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nhưng không ít cơ sở khám chữa bệnh không chấp hành việc đóng phí vệ sinh với đơn vị đã ký hợp đồng hoặc chỉ đóng được một vài tháng đầu. Một số phòng khám hoạt động một thời gian rồi chuyển địa điểm và cũng không liên hệ với đơn vị thu gom rác thải để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Có cơ sở sau khi ký hợp đồng được một vài ngày thì đến Công ty trả lại hợp đồng đã ký… Còn về việc thực hiện hợp đồng xử lý rác thải y tế, đại diện Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh – một trong những cơ sở y tế có hệ thống xử lý rác thải y tế - phản ánh: Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có 17 cơ sở y tế nhà nước và tư nhân ký hợp đồng xử lý rác thải y tế với bệnh viện nhưng chỉ có 3 đơn vị (trong đó có 2 cơ sở y tế nhà nước) mang rác đến xử lý với số lượng rất ít, mỗi lần chưa tới 1 kg. Có cơ sở y tế hoạt động trong lĩnh vực răng - hàm - mặt tuy đã ký hợp đồng xử lý rác thải y tế nhưng chưa bao giờ thấy mang rác tới xử lý. Như vậy, không biết cơ sở này còn hoạt động hay không và nếu vẫn đang hoạt động thì lượng rác thải y tế hằng ngày sẽ được xử lý ở đâu?!
Theo quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CB của Chính phủ thì sẽ phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với những trường hợp để chung chất thải rắn thông thường với các loại nguy hại. |
Trong khi đó, tại TX. Buôn Hồ, các phòng khám y tế tư nhân vẫn đang loay hoay tìm nơi xử lý chất thải y tế. Trên địa bàn TX. Buôn Hồ hiện chỉ có Bệnh viện Đa khoa thị xã có hệ thống xử lý nước thải và chất thải (do Sở Y tế đầu tư năm 2014 với kinh phí hơn 7 tỷ đồng), công suất khoảng 40 kg rác thải y tế mỗi ngày đêm. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ đủ để xử lý rác thải của bệnh viện mà không thể nhận thêm rác thải từ các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn. Bác sĩ Nguyễn Phan Minh Tiết (Phòng khám Đa khoa Thanh Tâm, TX. Buôn Hồ) cho biết, đơn vị đã đề nghị ký hợp đồng tiêu hủy chất thải y tế trong lò chuyên dụng của Bệnh viện Đa khoa thị xã nhưng bị từ chối vì lò rác này cũng quá tải. Vì thế, cứ 2 ngày 1 lần, cả 5 phòng khám y tế tư nhân trên địa bàn thị xã thu gom được khoảng 1 kg rác thải y tế rồi thuê xe chở đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar nhờ xử lý hộ. Bác sĩ Tiết than thở: “Theo quy định, các phòng khám phải có phương án xử lỷ rác thải. Song lò xử lý rác của bệnh viện trên địa bàn từ chối vì quá tải khiến chúng tôi phải mang đi xa để xử lý vừa tốn kém vừa bất tiện”.
Việc áp dụng chế tài đối với các trường hợp bỏ rác thải y tế ra đường phố rất khó khăn, trong thời gian qua các cơ quan chức năng hầu như chưa xử lý được trường hợp nào bởi rất khó bắt quả tang các trường hợp bỏ rác thải y tế ra đường phố. Rác thải y tế vẫn thường xuyên được phát hiện tại các điểm tập trung rác thải sinh hoạt nhưng không cơ sở nào chịu nhận là của mình.
Thiết nghĩ, để giải quyết những khó khăn trong việc xử lý rác thải y tế, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở kết hợp với tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần nhanh chóng xây dựng phương án xử lý riêng đối với rác thải nguy hại trên địa bàn tỉnh, trong đó cần chú trọng hỗ trợ việc xử lý rác thải cho hệ thống y tế tư nhân.
Minh Ngọc – Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc