Những tín hiệu vui trong bảo tồn động vật hoang dã
Công tác bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là ghi nhận được sự sinh sản của một số loài thú quý hiếm bên bờ vực tuyệt chủng.
Nhiều phát hiện mới
Đầu tiên là Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đặt bẫy ảnh ghi được một đoạn video dài 1 phút khá rõ nét hình ảnh 4 con bò tót đang tập trung uống nước, trong đàn có một con bò tót nhỏ, khoảng 1 năm tuổi. Đã mấy chục năm nay, ngoài những lần kiểm lâm đi tuần tra bắt gặp chúng chạy qua thì đây là lần đầu tiên ghi nhận được đầy đủ, rõ nét hình ảnh đàn bò tót ở nơi được mệnh danh là “xứ sở bò tót”. Rồi đến việc Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn liên tục xuất hiện những đàn voi rừng di chuyển kiếm ăn trong khu vực rừng Vườn quản lý và trong đàn có sự xuất hiện của voi con; VQG Chư Yang Sin lần đầu phát hiện dấu chân gấu; Trung tâm Bảo tồn voi đã cứu sống thành công con voi đực hoang dã, khoảng 4 tháng tuổi bị rơi xuống giếng...
Và có lẽ vui nhất phải kể đến là một con voi cái ở huyện Lắk đã mang thai được khoảng 14 tháng, dự kiến sinh con trong năm 2017… Theo ông Kiều Thanh Hà, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh đây là những tín hiệu tích cực trong công tác bảo tồn ĐVHD trên địa bàn. “Việc cứu hộ thành công voi con mới vài tháng tuổi chứng tỏ năng lực các cán bộ Trung tâm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng voi đã được nâng lên rất nhiều”, ông Hà đánh giá.
Chuyên gia quốc tế hỗ trợ các nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi huấn luyện voi. |
Để bảo vệ ĐVHD, các lực lượng chức năng cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD. Trong năm 2016, đã xử lý 35 vụ săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD trái phép. Qua đó đã thu giữ 50 cá thể ĐVHD để cứu hộ và thả vào môi trường tự nhiên, trong đó, có nhiều cá thể động vật quý hiếm như: 2 cá thể trăn gấm, 4 cá thể cầy vòi hương, 8 cá thể khỉ… Không chỉ vậy, các lực lượng chức năng còn vận động 1 tổ chức và 4 hộ dân nuôi nhốt ĐVHD trên địa bàn chuyển giao 7 cá thể gấu ngựa cho Trung tâm cứu hộ Động vật châu Á và 2 con voọc chà vá chân xám (nhóm IB) cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Trong năm 2016, việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn ĐVHD cũng đạt được những kết quả khả quan. Điển hình như vào tháng 5-2016, Tổ chức Động vật Châu Á thỏa thuận hợp tác tài trợ 50.000 USD cho dự án bảo tồn voi Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2017. Toàn bộ kinh phí sẽ phân bổ trực tiếp cho Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk để nâng cao chất lượng và năng lực chăm sóc, bảo tồn voi cho Trung tâm.
Đắk Lắk hiện có 526.534,4 ha rừng với hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Theo ghi nhận chưa đầy đủ, động vật có xương sống ở đây có 618 loài, 104 họ, 32 bộ thuộc các lớp thú, chim, bò sát, ếch nhái; trong đó có nhiều loài thú quý hiếm đang nằm trong nguy cơ tuyệt chủng như voi, bò tót, hổ… |
Còn tại VQG Yok Đôn, Qũy Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) - Việt Nam hỗ trợ đơn vị triển khai thực hiện "Kế hoạch hành động khẩn cấp Bảo tồn voi hoang dã tại VQG Yok Đôn giai đoạn 2016-2020". Theo đó, WWF-Việt Nam sẽ mở các lớp tập huấn cho cán bộ kiểm lâm của Vườn nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức cơ bản về thực thi pháp luật và tác nghiệp hiện trường, trong đó có việc áp dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như: SMART, bẫy ảnh, GPS... để theo dõi, giám sát đa dạng sinh học. Công cụ SMART (công cụ theo dõi và báo cáo hiện trường - Spatial Monitoring and Reporting Tool) sẽ được triển khai toàn diện ở VQG Yok Đôn để thu thập dữ liệu, giám sát loài và quản lý hoạt động tuần tra một cách chuyên nghiệp. Kế hoạch tập trung đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, giảm thiểu mâu thuẫn voi - người dựa trên hiểu biết về tập tính di chuyển theo mùa của voi và sinh kế thân thiện cho người dân.
Mặc dù công tác bảo tồn ĐVHD đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên ông Kiều Thanh Hà, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng không giấu được lo lắng khi những năm qua, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thành đất sản xuất nông nghiệp, xây dựng thủy điện, mở rộng các khu dân cư đã dẫn đến tình trạng mất hoặc phá vỡ hệ sinh thái và các sinh cảnh, nơi cư trú của ĐVHD bị thu hẹp; tình trạng phá rừng, cháy rừng, săn bắt ĐVHD, khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn ra; các nhà hàng, quán ăn cơ sở mỹ nghệ sử dụng kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã còn phổ biến… “Trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nạn săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã. Cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm; đồng thời tuyên truyền, cảnh báo sự nguy hiểm khi sử dụng trái phép ĐVHD nguy cấp; tăng cường tìm kiếm sự hỗ trợ về kinh phí, chuyên môn từ các tổ chức trong và ngoài nước… nhằm góp phần bảo tồn hiệu quả động vật hoang dã”, ông Hà cho biết.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc