Multimedia Đọc Báo in

Cơ sở sản xuất than củi gây ô nhiễm môi trường khu dân cư

14:01, 16/04/2017

Thời gian qua, hoạt động của cơ sở sản xuất than củi thuộc Công ty TNHH Phúc Minh (đóng tại xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Theo phản ánh của người dân xã Cư Dliê M’nông, cơ sở sản xuất than củi nói trên hoạt động từ cuối năm 2011, ban đầu chỉ có 2-3 lò than nhưng đến nay đã tăng lên 12 lò. Hằng ngày, lượng xe tải chở nguyên liệu ra vào tấp nập khiến cho đường giao thông tại hai thôn Tân Thành và Tân Lập của xã bị hư hỏng nặng nề.

Không chỉ vậy, lượng khói bụi, mùi hôi từ cơ sở sản xuất than củi phát tán, làm ảnh hưởng đến sự phát triển, năng suất cây trồng và sức khỏe của người dân xung quanh. Ông Lê Hồng Thoan, Thôn trưởng thôn Tân Thành cho hay: “Hằng ngày, các hộ dân phải đóng cửa kín mít nhưng vẫn bị khói bụi và mùi hôi “tấn công”. Đặc biệt, vào những ngày trời mưa, âm u hoặc than sắp chín thì mùi hôi càng nhiều hơn, dẫn đến nhiều trẻ em và người già trong thôn thường xuyên bị các bệnh về đường hô hấp, đau đầu, khó thở”.

Bên trong cơ sở sản xuất than củi của ông Giang khói bụi bay nghi ngút.
Bên trong cơ sở sản xuất than củi của ông Giang khói bụi bay nghi ngút.

Trước sự việc nói trên, người dân thôn Tân Thành và thôn Tân Lập đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng yêu cầu di dời cơ sở sản xuất này. Sau nhiều lần kiểm tra, ngày 13-11-2014, UBND huyện Cư M’gar đã ra quyết định số 779/QĐ-UBND đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất than củi thuộc Công ty TNHH MTV Phúc Minh do không thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết bảo vệ môi trường đã được UBND huyện phê duyệt số 577/GXN-UBND ngày 7-4-2011. Tuy nhiên, cơ sở chỉ dừng hoạt động một thời gian ngắn, sau đó lại tiếp tục hoạt động. Lý giải về vấn đề này, ông Đoàn Bằng Giang, chủ cơ sở cho hay: “Tôi đã xin UBND huyện hỗ trợ đất trong khu công nghiệp và một phần kinh phí để di dời cơ sở sản xuất than củi. Theo kế hoạch vào tháng 10-2018, cơ sở sẽ tiến hành di dời”.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, tại các biên bản cam kết với Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện, ông Giang hứa chỉ hoạt động tạm thời từ 3-4 lò/lần đốt và sẽ tìm vị trí di dời khỏi khu dân cư nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Do không đủ thẩm quyền xử lý nên UBND huyện đã đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường đưa máy móc, thiết bị về đo lượng khói bụi, đánh giá tác động môi trường, hoạt động kinh doanh than của Công ty TNHH MTV Phúc Minh. Đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư rút giấy phép hoạt động đối với cơ sở này.

Ghi nhận của phóng viên vào ngày 3-4-2017 cho thấy, dù chỉ được cho phép hoạt động cầm chừng từ 3-4 lò nhưng cơ sở sản xuất than củi của ông Giang vẫn đốt tới 8 lò than. Đứng trước tình trạng này, nhiều hộ dân phải gửi con nhỏ đi nơi khác, người già thì tìm chỗ lánh, không dám về nhà vào ban ngày… Để giải quyết dứt điểm sự việc gây bức xúc trên, thiết nghĩ các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý dứt điểm, trả lại môi trường sống không ô nhiễm để đảm bảo sức khỏe cho người dân trong vùng.

Hồng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.