Multimedia Đọc Báo in

Cộng đồng tham gia bảo vệ rừng: Tín hiệu vui ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin

07:16, 03/07/2017

Khi có chính sách giao rừng cho người dân cùng chủ rừng tuần tra, bảo vệ và được hưởng lợi từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, tình trạng xâm chiếm đất, khai thác lâm sản, săn bắn động vật trái phép ở Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang đã được hạn chế đáng kể.

VQG Chư Yang Sin có diện tích 59.491 ha với vùng đệm rộng lớn hơn 183.000 ha nằm trên địa bàn 11 xã thuộc huyện Krông Bông và Lắk. Thực hiện Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99 của Chính phủ ngày 24-9-2010, năm 2013, VQG triển khai thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân cùng lực lượng kiểm lâm tham gia tuần tra và bảo vệ. Đến cuối năm 2016, đơn vị đã giao cho 176 nhóm (1.438 hộ dân) nhận khoán bảo vệ hơn 40.558 ha rừng, bình quân mỗi hộ bảo vệ hơn 25 ha rừng và được nhận khoảng 4,5 triệu đồng/năm (chi phí mỗi năm chi trả trên 6 tỷ đồng). Điều này đồng nghĩa với việc có ít nhất 1.400 hộ dân không tham gia phá rừng. Hơn thế nữa, đây chính là tai, mắt của Vườn bởi khi phát hiện những người tình nghi và chuẩn bị vào rừng có mang theo các dụng cụ để chặt cây, săn bắt thú rừng hay cuốc xẻng để phát dọn cỏ lấn chiếm đất rừng họ đều báo lực lượng kiểm lâm của Vườn để kịp thời xử lý, ngăn chặn. Nhờ đó, tình trạng xâm hại rừng đã giảm đáng kể.

Người dân  xã Hòa Sơn (huyện  Krông Bông) cùng cán bộ kiểm lâm  tham gia  tuần tra, bảo vệ rừng  ở VQG  Chư Yang Sin.
Người dân xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) cùng cán bộ kiểm lâm tham gia tuần tra, bảo vệ rừng ở VQG Chư Yang Sin.

Anh Y San Êban, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 6, VQG Chư Yang Sin cho biết: “Theo phân công, Trạm cùng 137 hộ dân chia làm 14 nhóm bảo vệ 3.574 ha rừng thuộc buôn Za, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông). Trạm thường xuyên cùng các nhóm hộ phân công lực lượng đi tuần tra, mỗi đợt đi có 6 - 8 người, trong đó có 2 cán bộ kiểm lâm, thời gian tuần tra từ 3 - 6 ngày tùy cung đường”. Quả thật, việc phối hợp này không những giảm áp lực đáng kể cho rừng trước tình trạng săn bắn, chặt phá trái phép mà còn phần nào hỗ trợ, chia sẻ công việc với lực lượng chức năng.

Những năm về trước, sinh kế của người dân vùng đệm chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có dẫn đến tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ, làm nương rẫy và săn bắn động vật hoang dã trái phép đã khiến hệ sinh thái rừng bị suy giảm nghiêm trọng. Do đó, từ khi tham gia vào việc quản lý, bảo vệ rừng cùng lực lượng kiểm lâm VQG, được nhận tiền hỗ trợ từ Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các hộ dân tự bảo nhau không được vào rừng chặt gỗ, săn bắt thú hay lấn chiếm đất để làm nương rẫy mà phải tích cực bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Anh Y Lực Dinh (buôn Za, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) chia sẻ: “Được cùng cán bộ VQG bảo vệ rừng khiến tôi và các hộ dân rất vui. Trước đây một phần vì cuộc sống khó khăn cộng với việc kém hiểu biết nên rất nhiều người vào rừng để mưu sinh. Bây giờ, khi tham gia vào việc quản lý, bảo vệ rừng ai cũng nhận thấy được lợi ích là không những được nhận tiền hỗ trợ mà việc giữ rừng đồng nghĩa với bảo tồn nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và giảm thiểu biến đổi khí hậu”. Bên cạnh đó, VQG còn hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm ở 18 thôn, buôn trồng 241,69 ha rừng sản xuất (theo chương trình 66) nhằm nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư vùng đệm; tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về Bảo vệ và Phát triển rừng tới người dân tại 50 thôn, buôn vùng đệm; ký 2.000 bản cam kết bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng với 1.000 hộ dân…

Rõ ràng, khi cộng đồng sinh sống trong vùng đệm của những cánh rừng nguyên sinh, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cùng tham gia bảo vệ rừng có hiệu quả như ở VQG Chư Yang Sin thì những cánh rừng sẽ mãi là lá phổi xanh bảo vệ con người trước sự suy thoái của môi trường và biến đổi khí hậu như hiện nay.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.