Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn trong xây dựng

15:34, 19/07/2017

Sự gia tăng nhanh chóng các công trình xây dựng trong quá trình đô thị hóa đang làm nảy sinh nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường, biểu hiện rõ nhất là ô nhiễm từ chất thải rắn.

Lề đường thành nơi tập kết phế thải xây dựng

Mỗi năm, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có hàng nghìn công trình xây dựng với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Theo đó, một lượng lớn đất bị đào bới và rác thải từ hoạt động xây dựng thải ra chưa được thu gom, xử lý theo quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường nói chung và cuộc sống người dân sống xung quanh khu vực nói riêng.

Vi phạm phổ biến nhất hiện nay là việc tập kết phế thải, vật liệu xây dựng không đúng quy định, lấn chiếm lòng, lề đường; một số trường hợp còn đổ bê tông thừa ra lề đường, khu vực đất trống… gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng hệ thống đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là gây mất mỹ quan đô thị.

Tại một số tuyến đường trong thành phố, nhiều khu vực đất trống, lề đường đã trở thành bãi tập kết rác thải xây dựng tự phát. Đơn cử như khu vực phía sau Đài tưởng niệm các liệt sỹ Nam Tiến, (giáp đường Phạm Hồng Thái) thời gian qua đã xuất hiện tình trạng đất, đá, gạch thải ra trong xây dựng đổ thành đống. Mặc dù Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và Môi trường tỉnh đã nhiều lần đưa xe đến thu gom nhưng chỉ một thời gian sau tình trạng này lại tái diễn. Hay như trên tuyến đường Lê Duẩn, không khó để bắt gặp những "bãi" đất đá thải ra trong xây dựng được tập kết hai bên đường. Cụ thể như khu vực ngã ba đường Lê Duẩn và Âu Cơ từ lâu đã xuất hiện đống đất đá thải ra án ngữ ngay trên lề đường trong một thời gian khá dài nhưng chưa được xử lý, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như cản trở giao thông khu vực này.

Vật liệu xây dựng được người dân tập kết tràn xuống lòng đường Nguyễn Du
Vật liệu xây dựng được người dân tập kết tràn xuống lòng đường Nguyễn Du.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường do công trình xây dựng không có bạt che chống bụi; các phương tiện vận chuyển bùn đất phế thải, vật tư, vật liệu xây dựng làm rơi vãi trên đường; bùn đất, cát từ trong công trình chảy tràn ra đường… cũng đang là vấn đề khiến người dân bức xúc. Nhiều chủ đầu tư còn tự ý tập kết vật liệu xây dựng trên vỉa hè và một phần lòng đường mà không xin giấy phép. Đã vậy, vật liệu tập kết không được che chắn cẩn thận, tràn xuống lòng đường vừa gây mất an toàn giao thông, chiếm lối của người đi bộ, vừa ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước mưa của thành phố. Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Buôn Ma Thuột, tính từ đầu năm đến ngày 14-7-2017, trong tổng số 816 trường hợp được cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố thì chỉ có 97 trường hợp đã được cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè với tổng diện tích là 1.311 m2.

Cần siết chặt việc xử lý chất thải rắn trong xây dựng

Theo chị Phan Thị Minh Thảo, Trưởng phòng QLĐT TP. Buôn Ma Thuột, khi xây dựng, rất nhiều công trình không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Đối với những công trình lớn, chủ đầu tư đã hợp đồng với đơn vị chức năng hoặc cá nhân thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong xây dựng. Trong khi đó, những đơn vị và người nhận chuyên chở thì thường tìm những bãi đất trống, khu vực công cộng vắng người qua lại để đổ rác thải. Với những công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân thì nhiều hộ xả thải tự do, không quan tâm đến vệ sinh chung. “Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt những trường hợp vi phạm, nhưng do chế tài xử phạt còn quá nhẹ nên hầu hết chủ đầu tư công trình còn lơ là”, chị Thảo nhấn mạnh.

Để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyền truyền, kiểm tra, xử lý những công trình vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc các xã, phường chưa thực hiện nghiêm túc dẫn đến việc các chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ các quy định bảo vệ môi trường trong xây dựng; hoặc có cũng chỉ thực hiện đối phó khi có đoàn kiểm tra.

Thiết nghĩ, việc kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động xây dựng chỉ có thể hiệu quả khi các cơ quan chức năng vào cuộc đồng bộ; tích cực tuyên truyền,  xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.

 Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.