Multimedia Đọc Báo in

Túi nilon: Hiểm họa "ô nhiễm trắng"

06:30, 13/08/2017

Từ lâu túi nilon đã trở thành vật dụng quen thuộc trong cuộc sống thường ngày. Với sự tiện dụng, giá thành thấp nên được sử dụng phổ biến ở mọi nơi và đã gây nên tình trạng “ô nhiễm trắng” đối với môi trường.

Thói quen xấu làm hại môi trường

Hằng ngày, sau khi đi làm về chị Nguyễn Thị Chung (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) ghé chợ mua thức ăn cho cả gia đình nên thường không mang theo làn (giỏ). Khi mua bất cứ thứ gì chị cũng yêu cầu người bán đựng trong những chiếc túi nilon; thậm chí có những loại thực phẩm được đựng từ 2 đến 3 túi. Vì thế, mỗi ngày nhà chị thải ra không dưới 5 chiếc túi nilon lớn nhỏ, chưa kể thức ăn sáng cho cả gia đình cũng đựng trong túi nilon.

Nếu như người mua vì sự tiện lợi thì người bán hàng lại sử dụng túi nilon vì giá thành rẻ. Theo chị Trần Thị My (tiểu thương chợ Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột), thường rất ít người xách giỏ đi chợ, nếu có thì khi mua hàng họ vẫn yêu cầu đựng riêng từng loại thực phẩm vào túi nilon trước khi bỏ vào giỏ. Ngoài sự tiện lợi, giá thành của các loại túi nilon cũng rất rẻ, chỉ với 40.000 đồng/kg có thể đựng hàng cho khách cả tuần mới hết, sử dụng lại vừa nhanh vừa gọn.

Túi nilon được sử dụng trong sản xuất nấm trên địa bàn huyện Krông Ana.
Túi nilon được sử dụng trong sản xuất nấm trên địa bàn huyện Krông Ana.

“Ô nhiễm trắng” là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để nói về việc ô nhiễm môi trường do túi nilon gây ra. Chính sự “đa tiện ích” của loại túi này trong sinh hoạt hằng ngày như: dùng để thay thế màng bọc thực phẩm, đựng thức ăn sống, chín... cùng với việc xử lý sau khi sử dụng không đúng cách đã tạo nên nhiều hệ lụy khôn lường. Môi trường sống bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì túi nilon khi thải ra phải mất hàng trăm năm đến hàng nghìn năm mới bị phân huỷ hoàn toàn nên tác động đến tài nguyên đất và nguồn nước; rác thải từ túi nilon ứ đọng tạo ổ dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây mất mỹ quan. Mặt khác khi dùng túi nilon để đựng thức ăn nóng sẽ sản sinh nhiều chất độc hại cho cơ thể…

Trách nhiệm của cả cộng đồng

Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg, ngày 11-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân huỷ trong sinh hoạt đến năm 2020, phấn đấu đến năm 2020: giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt… Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay túi nilon vẫn được sử dụng phổ biến tại các chợ và trung tâm mua sắm. Riêng việc tái sử dụng túi nilon hầu như không được các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Trong khi đó, tại nhiều vùng; đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa việc thu gom và xử lý rác thải nói chung và rác thải là túi nilon nói riêng vẫn còn là vấn đề nan giải.

 

“Trong khi chưa có những chính sách pháp luật và các loại túi thân thiện môi trường phổ biến để thay thế, mỗi người dân nên hạn chế dùng loại túi khó phân hủy này đến mức thấp nhất để giảm tác hại do túi nilon gây ra cho sức khoẻ và môi trường sống”,

 

 
Ông Đoàn Ngọc Khuê, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh

Quả thật, để thay đổi ngay thói quen dùng túi nilon của người dân là việc rất khó, nhất là khi các loại túi được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường còn quá ít và giá thành khá cao. Đơn cử như năm 2010, Công ty Quản lý Đô thị và Môi trường tỉnh đã triển khai dự án thí điểm cấp túi nilon tự hủy miễn phí cho các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) để đựng rác thải. Mỗi ngày Công ty cấp phát 2.146 túi (tương đương với 19,5 kg), sau 3 tháng thực hiện mô hình đã “chết yểu” bởi nhiều lý do: giá thành túi nilon tự hủy quá cao so với túi thông thường, nếu không được cấp phát miễn phí thì trung bình một hộ gia đình sẽ phải tốn khoảng 15.000 đồng/tháng để mua loại túi này; việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt chưa được thực hiện đúng quy trình...

Bên cạnh đó, nhiều cấp hội, đoàn thể, địa phương đã phát động các phong trào hạn chế sử dụng túi nilon như: tặng làn đi chợ, phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng lá cây gói thực phẩm… nhưng trên thực tế chỉ mới dừng lại ở mô hình điểm, chưa được nhân rộng. Trong khi đó, lượng túi nilon thải ra môi trường rất lớn mà các bãi rác lại chưa có quy trình xử lý triệt để, chủ yếu là phương pháp đốt, chôn lấp. Thiết nghĩ, sự vào cuộc đồng bộ, nhất là công tác tuyên truyền, vận động đi đôi với các giải pháp cụ thể để từng bước thay đổi thói quen sử dụng túi nilon là việc làm cấp thiết hiện nay.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc