Multimedia Đọc Báo in

Chăn nuôi gia súc thả rông: Cần thay đổi nhận thức của người dân

13:24, 01/11/2017

Thói quen và tập quán chăn nuôi gia súc thả rông của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh không những ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả chăn nuôi mà còn tác động xấu đến môi trường xung quanh, sức khỏe người dân; đồng thời, còn là điểm “nghẽn” trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn có tập quán chăn nuôi gia súc thả rông hay nuôi nhốt dưới gầm, sàn nhà hoặc làm chuồng trại sát nhà ở. Thậm chí, khi đời sống của nhiều hộ đã khá giả nhưng thói quen đó vẫn khó bỏ, dẫu biết rằng, việc chăn nuôi không bảo đảm vệ sinh này mang lại nhiều hệ lụy.

Người dân xã Bông Krang, huyện Lắk chăn nuôi bò thả rông gây ô nhiễm môi trường,  không bảo đảm an toàn giao thông.
Người dân xã Bông Krang, huyện Lắk chăn nuôi bò thả rông gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn giao thông.

Bắt đầu chăn nuôi bò sinh sản từ năm 2000 chỉ với 2 con, đến nay đàn bò của gia đình anh Y’Dyon (buôn Trấp, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) đã phát triển lên đến 16 con, trung bình mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Mặc dù số lượng đàn bò ngày càng tăng lên nhưng gia đình anh vẫn nuôi nhốt trong chiếc chuồng tạm bợ được xây dựng cạnh nhà ở. Điều đáng nói là chuồng nuôi không được vệ sinh sạch sẽ nên khi trời nắng mùi hôi thối bốc lên tỏa ra xung quanh, mùa mưa thì nước thải chảy tràn ra sân, vườn. Cũng chính vì thế, đàn bò nhiều lần bị dịch bệnh; đơn cử như vào tháng 5 vừa rồi, trong tổng số 16 con thì có đến 14 con bị lở mồm long móng nên anh phải báo đơn vị chức năng đến xử lý để tránh tình trạng lây lan ra đàn bò của các hộ dân khác.

Chuồng trại nuôi bò của gia đình chị H’Black Êban được xây dựng cạnh nhà ở.
Chuồng trại nuôi bò của gia đình chị H’Black Êban được xây dựng cạnh nhà ở.

 

 

“Để nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen này của người dân, trước hết, phải hướng vào các đối tượng dễ tác động như hộ gia đình cán bộ, đảng viên, già làng… để làm gương cho người dân noi theo. Song song đó, nên đưa nội dung này vào hương ước, quy ước của mỗi thôn, buôn. Hơn thế nữa, trong quá trình thực hiện phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, mỗi tổ chức, cá nhân trong cộng đồng dân cư”.

 

Ông Nguyễn Quang Đức, Trưởng Trạm chăn nuôi thú y huyện Cư M’gar.

 

Hay như với gia đình chị H’Black Êban (buôn Kdun A, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) cũng nuôi 10 con bò. Chuồng nuôi nhốt được chị dựng bằng mấy chiếc cọc tạm bợ sát vách nhà mình, xung quanh đó cũng là nhà ở của các hộ khác. Không những thế, gia đình chị còn nuôi mấy con heo mà chẳng có chuồng trại gì. Do đàn gia súc được thả rông dưới gầm sàn và xung quanh nhà nên chất thải vương vãi khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Khi được hỏi về lý do vì sao không xây dựng chuồng trại để bảo đảm vệ sinh môi trường, chị H’Black chia sẻ: “Gia đình đông người nhưng không có nương rẫy nên cuộc sống chỉ trông chờ vào đàn bò, miếng ăn còn phải chắt chiu nói gì đến việc làm chuồng trại. Mặc khác, hầu hết các hộ dân trong buôn cũng đều chăn nuôi thả rông như gia đình tôi, chẳng ai xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh cả”. 

Theo ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl, biết địa phương vẫn còn rất nhiều hộ dân chăn nuôi gia súc thả rông, nếu có thì chuồng trại không bảo đảm vệ sinh nên chính quyền xã cũng đã tuyên truyền, vận động và giải thích tác hại cho người dân biết. Tuy nhiên, do hầu hết các hộ dân đều chăn nuôi nhỏ lẻ nên họ đều làm chuồng tạm bợ, hoặc nuôi nhốt dưới gầm sàn nhà.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ngoài một số hộ không có điều kiện kinh tế để xây dựng chuồng trại thì vẫn có rất nhiều gia đình do thói quen, tập quán khó bỏ. Chính vì thế, đã dẫn đến nhiều hệ lụy như dễ phát sinh dịch bệnh, khi có dịch bệnh thì lây lan nhanh; ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống xung quanh vì môi trường bị ô nhiễm; tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông khi gia súc chạy rông trên đường…

Bò nuôi thả rông trên địa bàn xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn.
Bò nuôi thả rông trên địa bàn xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn.

Chăn nuôi gia súc thả rông là nhu cầu phát triển kinh tế riêng mỗi gia đình, nhưng nó lại tác động đến xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống chung của cộng đồng. Trước thực trạng này, khi pháp luật chưa mạnh tay xử lý thì cần phải tác động làm thay đổi nhận thức của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi hộ gia đình phải tự giác thực hiện mới phát huy hiệu quả.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.