"Quản thú" giữa rừng già
Gắn với công việc chăm sóc động vật hoang dã tại Trạm cứu hộ thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn được gần 1 năm, chị Lê Thị Thảo (35 tuổi) đã dành tình yêu thương, sự chăm sóc đặc biệt cho các loài vật như người thân yêu của mình.
Đến Vườn Quốc gia Yok Đôn ta dễ nhận thấy tiếng chim kêu, vượn hót trong khu trạm cứu hộ sạch sẽ, tươm tất. Có được như vậy là nhờ công chăm, quản của chị Thảo. Chị vốn là nhân viên vườn ươm giống Phòng Khoa học và Quan hệ Quốc tế, cuối năm 2016, chị được điều động sang quản lý, chăm sóc động vật hoang dã tại trạm cứu hộ. Những ngày đầu làm công việc mới, chị Thảo gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm trong việc chăm thú. Chị kể, công việc quét dọn chuồng trại, nhìn sơ qua là biết làm ngay, khó nhất là lên thực đơn hằng ngày. Hiện ở trạm có 5 con nai, 3 con khỉ, nhiều cá thể rùa, chồn, chim công… Mỗi loài lại ăn thức ăn và liều lượng khác nhau, do vậy chị phải dành nhiều thời gian chuẩn bị để bảo đảm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho chúng. Loài nai thích ăn cây cỏ; khỉ lại thích củ quả; rùa, chim còn ăn cả cá và phổi bò nên chị lên hẳn danh sách để thay đổi món mỗi ngày.
Chị Thảo chăm các con vật tại Trạm cứu hộ. |
Chuẩn bị xong thức ăn, chị Thảo lại tìm cách cho chúng ăn theo kiểu hoang dã. Như cho khỉ ăn, chị thường bỏ hoa quả vào hốc cây, xung quanh phủ lớp cây cỏ rồi treo lên cao để khỉ tự tìm lấy ăn. Sở dĩ làm như vậy vì động vật ở đây đã bị người dân nuôi nhốt khá lâu, mất khả năng tìm kiếm thức ăn nên nhân viên trong trạm phải dạy dần lại đến khi chúng phục hồi bản năng gốc sẽ thả vào rừng.
Mỗi con vật trong trạm đều có tên gọi riêng, trong đó có một con khỉ nhỏ được đặt tên là Thảo. Chị giải thích chú khỉ này rất hiền, gần gũi. Mỗi lần chị vào dọn chuồng khỉ thường nhảy lên người vuốt ve, tuốt tóc, lấy răng nhằn hết vết xước trên đầu móng tay khiến chị rất thương. Chuyên gia thú y nước ngoài thấy vậy liền lấy tên chị đặt cho chú khỉ con này. Chị Thảo tâm sự, lần đầu tiếp xúc với các con thú, chị rất sợ, dần dần trong quá trình chăm sóc, chị nhận ra con vật nào cũng có tình cảm. Nếu ta yêu thương chúng như người thân quý của mình thì chúng cũng đáp trả lại bằng những cử chỉ đáng yêu, thân mật. Tuy nhiên trong quá trình chăm sóc, ta phải hết sức cẩn thận, nhất là lúc động vật đang vào thời kỳ sinh sản, thường trở nên hung dữ, bản thân chị cũng từng nhiều lần bị thú cào xước tay.
Chị Thảo chuẩn bị thức ăn cho các con thú. |
Nguy hiểm, vất vả với nghề chăm, quản thú là vậy nhưng chị Thảo rất yêu và gắn bó với công việc của mình. Đối với chị, chỉ cần những con thú khỏe mạnh thì bao vất vả, mệt nhọc đều xua tan đi. Mỗi ngày hai bữa bất kể nắng – mưa, chị Thảo đều có mặt từ rất sớm để vệ sinh chuồng trại, cho thú ăn, rồi tất tả chuẩn bị thực đơn cho ngày mai. Kể cả ngày lễ, tết chị vẫn không quên nhiệm vụ. “Nhà mình gần trạm nên cũng thuận lợi cho công việc. Trừ những lúc đau ốm không gượng dậy được mình mới nhờ người cho ăn hộ. Còn không mình phải đến tự tay chăm sóc chúng mới yên tâm. Chăm chúng như chăm con mọn, không gặp chúng thì nhớ lắm. Mong sao chúng mau khỏe mạnh, tìm lại bản năng sinh tồn để trở về với tự nhiên. Dù rất nhớ nhưng dù sao đó mới là môi trường sống tốt nhất cho chúng sinh tồn, phát triển”, chị Thảo trải lòng.
Huỳnh Thủy
Ý kiến bạn đọc