Người dân xã Ea Sin sống chung với nước nhiễm phèn
Vẫn biết nguy cơ mắc bệnh là rất cao nhưng gần 10 năm nay, hơn nghìn hộ dân ở các buôn Cư Mtao, Cư Kanh, Ea Sin và Ea Pông (xã Ea Sin, huyện Krông Búk) phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn nặng để phục vụ sinh hoạt...
Giữa trưa nắng như đổ lửa của mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi tìm về xã Ea Sin để tìm hiểu về tình trạng nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi đây. Đến nhà chị H’Ju Mlô (buôn Cư Kanh), chúng tôi chứng kiến những thùng phuy, xô chậu đựng nước đều phủ một lớp vàng óng của phèn. Chị H’Ju Mlô nói: “Vì không có điều kiện khoan giếng nên hằng ngày gia đình phải mua nước của một hộ dân gần nhà để sử dụng. Nếu để qua đêm thì nước nổi một lớp phèn dày. Dù biết sử dụng nước nhiễm phèn ảnh hưởng sức khỏe nhưng gia đình tôi vẫn phải ăn uống, tắm rửa từ nguồn nước này”.
Chị H’Ju Mlô (buôn Cư Kanh) bên thau nước bị phèn bám xung quanh. |
Còn giếng nước của gia đình chị H’Mim Mlô (buôn Cư Mtao) thì khi múc lên có màu vàng, đổ vào thau một lát sau là có một lớp phèn bám dưới đáy. Khi nấu nước sôi để nguội cũng có một lớp phèn đặc quánh dưới ấm. “Nước nhiễm phèn thường có mùi tanh, mặn và chát. Vì phải thường xuyên sử dụng nguồn nước nhiễm phèn nên ở đây người dân hay bị mắc các bệnh dạ dày, thận và bệnh ngoài da, nhất là trẻ em, mỗi lần tắm xong là mẩn ngứa khắp người”, chị H’Mim Mlô vừa nói vừa chỉ tay vào xung quanh thành giếng với một lớp phèn dày.
Theo phản ánh của người dân thì hầu như giếng nước ở các buôn Cư Mtao, Cư Kanh, Ea Sin, Ea Pông đều bị nhiễm phèn nặng. Theo ông Y Thương Niê, Trưởng buôn Cư Mtao thì trong buôn có 23 giếng khoan đều bị nhiễm phèn nặng. Nhiều hộ dân lo sợ nên chỉ dùng nước giếng để tắm giặt quần áo, còn để uống hoặc nấu ăn thì phải mua nước đóng bình.
Để khắc phục tình trạng nguồn nước bị nhiễm phèn cho người dân, năm 2016, UBND huyện Krông Búk đã đầu tư 3 bồn cấp nước tại 3 buôn Cư Kanh, Cư Mtao và Ea Sin, trong đó 2 bồn chứa được lấy từ nguồn nước mạch tự nhiên, 1 bồn đã qua xử lý lọc. Tuy nhiên, hiện bồn cấp nước tại buôn Cư Kanh không thể hoạt động do bị thiết bị điện hư hỏng. Người dân ở đây phải đi mua nước ở các hộ có giếng khoan với giá 20.000 đồng/thùng hoặc xin nước từ các buôn lân cận.
Thùng phuy chứa nước cũng bám đầy phèn. |
Ông Phạm Văn Cháng, Chủ tịch UBND xã Ea Sin cho biết: Cư Kanh, Cư Mtao, Ea Pông và Ea Sin là 4 buôn dự án theo Chương trình 132 và 134, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trước đây, người dân thường lấy nước ở đập Ea Trul và các khe suối để sinh hoạt. Sau khi có bồn nước tập trung đã hạn chế tình trạng sử dụng nước nhiễm phèn. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời vì vào mùa khô, tình trạng thiếu nước thường xuyên, các bồn chứa không đủ cung cấp nước nên các hộ dân vẫn phải sử dụng nước giếng bị nhiễm phèn nặng.
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc