Khi phụ nữ tiên phong trong xử lý rác thải
Rác thải ở nông thôn hiện đang là vấn đề nan giải trong thực hiện tiêu chí môi trường của Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tại huyện Ea H’leo, việc Hội LHPN huyện xây dựng các mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác gia đình được coi là một trong những cách làm hay góp phần tích cực hoàn thành tiêu chí môi trường ở các xã.
Từ năm 2012, mô hình được khởi động tại xã Ea Ral. Đây cũng là địa phương mà bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập tục nuôi gia súc thả rông dưới gầm nhà sàn gây ô nhiễm nặng nề. Ban đầu việc tự phân loại và xử lý rác trong từng hộ gia đình được xem là giải pháp tình thế, nhưng qua thời gian thực hiện cho thấy đây là giải pháp phù hợp nhất. Qua 6 năm thực hiện, bộ mặt xã Ea Ral đã có nhiều thay đổi, trên những con đường nơi đây có rất ít những bãi tập kết rác tự phát thường thấy như các vùng nông thôn khác.
Chị H’Nem Niê (buôn Ariêng B) vứt rác vào hố rác tự đào của gia đình. |
Chị H’Nem Niê (buôn Ariêng B) chia sẻ, từ khi Hội Phụ nữ xã vận động các gia đình xây dựng hố chứa rác thải, tất cả mọi thứ rác sinh hoạt trong gia đình đều được gom lại, phân loại, thứ nào đốt được thì đốt, còn những thứ như mảnh chai, mảnh sành thì đưa ra chỗ tập kết rác tập trung của xã. Gia đình chị H’Nem là một trong những hộ đầu tiên triển khai xây dựng hố rác tại gia của xã. Đến nay, riêng buôn Ariêng B 100% hộ xây dựng hố rác tại gia; các buôn khác những hộ ngõ gần nhau thì 2 - 3 gia đình sử dụng chung một hố, đảm bảo tất cả các hộ đều thực hiện tập kết rác vào nơi quy định. Nhờ đó đã hạn chế được lượng rác thải phát sinh ra môi trường chung.
Bà Nguyễn Thị Danh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea H’leo
|
Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Ral Lưu Hải Yến cho biết, từ năm 2012, hưởng ứng phong trào “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” do Hội Phụ nữ huyện phát động, Hội Phụ nữ xã đã bắt đầu triển khai chủ trương mỗi gia đình phải xây dựng được 1 hố rác để thu gom, tập kết và xử lý. Hội đã lên phương án, tính toán, bình quân mỗi hố rác được đào sâu 1m, rộng mỗi bề 80 cm. Các cán bộ, đảng viên và hội viên Hội Phụ nữ đã gương mẫu đi đầu xây dựng trước, sau đó lan tỏa trong cộng đồng. Đến nay, toàn xã đã xây được 650 hố rác tại gia.
Đánh giá về kết quả của cuộc vận động xây dựng hố rác tại gia, bà Nguyễn Thị Danh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea H’leo chia sẻ, thành công của mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình là nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ môi trường được nâng cao. Việc người dân xử lý rác tại nguồn đã góp phần giảm chi phí vận chuyển và xử lý rác tập trung; đồng thời có nguồn phân hữu cơ tốt chăm bón cho cây trồng, rất phù hợp ở khu vực nông thôn. Đi đôi với giải pháp trên, tại Ea H’leo có nhiều mô hình gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được hỗ trợ, khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, từ đó từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ những thành công đó, Huyện hội đã tiếp tục nhân rộng mô hình đến từng thôn, buôn vùng sâu của từng xã. Đến nay, toàn huyện có gần 100% số thôn, buôn thành lập tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản, có gần 3.000 hố xử lý rác thải tại gia. 6 tháng đầu năm 2018 đào mới 565 hố, điển hình là các xã Ea Hiao 378 hố, Ea Wy 132 hố, Cư Mốt 53 hố.
Băng Châu
Ý kiến bạn đọc