"Rác" tờ rơi gây mất mỹ quan đường phố
Dù đã có những quy định trong việc phát tờ rơi, nhưng tại các ngã ba, ngã tư trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, không ít lần đường phố cũng “ngập rác” bởi các tờ rơi rao vặt.
Hiện nay, rất nhiều các đơn vị kinh doanh - dịch vụ sử dụng dịch vụ phát tờ rơi để quảng cáo vì chi phí thấp, “chiêu” tiếp thị nhanh nhất đến người tiêu dùng, nội dung quảng cáo không bị kiểm duyệt. Hầu hết nhân viên phát tờ rơi là những bạn sinh viên đi làm thêm, được giao cho một số lượng tờ rơi nhất định. Theo phân công, họ sẽ đứng tại các ngã tư đường phố, cổng trường học, điểm xe buýt, khu chợ… những nơi tập trung đông người sau đó phát cho hết. Không cần biết người nhận có quan tâm thông tin hay không, hay thái độ tiếp nhận của họ như thế nào, những nhân viên này chỉ cố gắng len lỏi giữa dòng người, “dúi” những tờ rơi đó vào tay người đi đường.
Các cột đèn giao thông trở thành địa điểm quen thuộc để phát tờ rơi quảng cáo. |
Vào những giờ cao điểm, tại một số giao lộ trên các tuyến đường chính như Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn, Phan Chu Trinh… mỗi lần tín hiệu giao thông chuyển sang đèn đỏ báo hiệu phương tiện dừng lại, lập tức có người “tiếp cận” để phát tờ rơi quảng cáo cho người đi đường. Theo quan sát, có chừng 1/4 số người đi xe máy từ chối nhận tờ rơi, một số ít người khác nhận tờ rơi thì giữ lại kẹp ở xe hoặc bỏ trong túi áo, số còn lại vừa nhận tờ rơi liền thản nhiên vứt ngay xuống đường rồi đi tiếp hoặc xem lướt qua rồi di chuyển vài chục mét thì vứt bỏ. Tâm lý chung của người nhận là cảm thấy khó chịu, phiền phức. Hiệu quả của cách thức quảng cáo này chưa thấy đâu, nhưng hậu quả lại rất rõ ràng khi gây cản trở giao thông và phản cảm hơn là sau mỗi lượt như vậy, đường phố trở nên nhếch nhác bởi những tờ rơi bị bỏ lại, trở thành “tờ rác” vô giá trị.
Mọi dịch vụ đều có thể sử dụng tờ rơi để quảng bá sản phẩm từ ăn uống, chương trình khuyến mãi, dạy kèm đến cho vay lãi suất thấp, thẩm mỹ… nên đối tượng và địa bàn phát tờ rơi rất rộng. Chị Lê Thị Nụ (đường Trần Phú, phường Thành Công) bức xúc cho hay, không chỉ “xả rác” tại khu vực đông người, nhiều nhân viên phát tờ rơi còn mang “rác” tới tận nhà người dân. Cứ sau giờ nghỉ trưa, ra mở cửa là thấy vài tờ quảng cáo nhét vào khe cửa.
Tờ rơi quảng cáo vứt đầy trên mặt đường Nguyễn Tất Thành - Lý Tự Trọng. |
Nhu cầu quảng cáo, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của người kinh doanh, buôn bán là chính đáng, song việc quảng cáo trên cần thực hiện một cách lành mạnh, đúng quy định của pháp luật, không thể bạ đâu cũng treo, phát tờ rơi, làm xấu cảnh quan đô thị.
Chị Nguyễn Thị Hương, một công nhân môi trường chia sẻ, chị ngại nhất là quét những đoạn đường có tờ rơi. Nhất là khi trời mưa rất khó quét, những tờ giấy mỏng dính vào mặt đường, nhiều lúc phải cúi nhặt từng tờ.
Tuy đã có quy định chế tài xử lý, nhưng thực tế chưa có sự chấp hành nghiêm túc của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo. Thiết nghĩ, để thành phố ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, văn minh thì mỗi người dân cần có ý thức hơn về bảo vệ môi trường, giữ gìn mỹ quan đô thị. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo cần chấp hành đúng quy định như thực hiện tại những địa điểm cho phép quảng cáo, tuân thủ các quy định quảng cáo theo hướng dẫn của các ngành chức năng. Bên cạnh đó, cần có cách ứng xử văn minh hơn với tờ rơi quảng cáo, cương quyết từ chối nhận tờ rơi nếu không có nhu cầu hoặc nếu đã nhận thì hãy giữ lại, còn thấy không cần thiết thì bỏ vào thùng rác.
Theo Điều 61, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, ngày 16-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (có hiệu lực thi hành từ ngày 5-5-2017) quy định: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội; phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. |
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc