Huyện Cư M'gar: Siết chặt quản lý tài nguyên nước
Huyện Cư M’gar là một trong những địa phương có diện tích trồng cây công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh, nên nhu cầu sử dụng nguồn nước phục vụ việc tưới cho cây trồng là rất lớn, kéo theo đó là việc khai thác tài nguyên nước đang diễn ra bừa bãi.
Thời tiết diễn biến bất thường những năm gần đây dẫn đến khô cạn nguồn nước, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Trong bối cảnh đó, giải pháp khoan giếng được nhiều hộ dân lựa chọn và dịch vụ khoan giếng để khai thác nước ngầm theo đó cũng có xu hướng gia tăng trên địa bàn. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, việc xử lý, ngăn chặn vi phạm ở lĩnh vực này còn chưa triệt để và thiếu kiên quyết.
Theo Đội Cảnh sát Kinh tế - Ma túy Công an huyện Cư M’gar, tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác nước dưới đất vẫn xảy ra tại các xã, thị trấn trên địa bàn, tiểm ẩn nhiều nguy cơ sụt lún bề mặt, gây ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên nước, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư.
Hiện trường một vụ khai thác nước dưới đất sai quy định trên địa bàn huyện Cư M’gar. |
Theo Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT, ngày 11-7-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về việc hành nghề khoan nước dưới đất quy định, tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất cần phải đáp ứng những điều kiện như: có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất, khoan và có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề hoặc công nhân khoan có tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương trở lên và có ít nhất 4 năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập báo cáo hoặc thi công khoan ít nhất 5 công trình khoan nước dưới đất; máy khoan và các thiết bị thi công khoan phải bảo đảm có tính năng kỹ thuật phù hợp đáp ứng theo quy định… Nhưng trên thực tế, nhiều cá nhân làm dịch vụ khoan giếng đang tổ chức hoạt động khoan giếng trên địa bàn chưa ý thức được việc bảo vệ tài nguyên nước và những yêu cầu khắt khe, quy định của nghề. Thậm chí, nhiều người làm dịch vụ này chưa được cấp Giấy phép, nhưng vẫn hành nghề.
Từ năm 2017 đến nay, Công an huyện Cư M’gar đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 11 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 64 triệu đồng. Riêng từ đầu năm đến nay đã có 8 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt gần 40 triệu đồng. Hành vi vi phạm diễn ra phổ biến như hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép, không thông báo bằng văn bản về vị trí, quy mô công trình khoan nước dưới đất và thời gian dự kiến thi công cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền... Cách đây không lâu, ngày 29-6, tại thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp, Đội Cảnh sát Kinh tế - Ma túy Công an huyện Cư M’gar tiến hành kiểm tra và phát hiện ông Trần Thanh Hải (ngụ tại xã Quảng Hiệp) đang thi công giếng khoan để khai thác nước dưới đất cho hộ ông Nguyễn Văn Mạnh. Tại thời điểm kiểm tra, ông Hải không cung cấp được Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Với hành vi này, ông Hải bị xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng.
Để bảo vệ nguồn nước, bảo đảm công bằng cho những đơn vị hành nghề hợp pháp, huyện Cư M’gar đã và đang tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động này. Trong đó, chú trọng kiểm tra tình trạng khoan, khai thác nước dưới đất; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là thời điểm trong những tháng mùa khô. Đối với những địa bàn thường xảy ra các hoạt động khai thác nước trái phép như xã Cư Suê, Ea Tar, Cư M’gar... thì lên kế hoạch tăng cường, bố trí lực lượng, phương tiện để kiểm tra, giám sát và xử lý dứt điểm, tránh gây tác động xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động quần chúng nhân dân không khai thác nước trái phép và chủ động phối hợp cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Đồng thời, tuyên truyền để cá nhân, tổ chức đang hoạt động khai thác nước ngầm tại địa phương hiểu rõ và chấp hành các quy định của pháp luật, nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nguồn nước tiết kiệm.
Theo Nghị định 33/2017 NĐ-CP, ngày 3-4-2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, mức tiền phạt tối đa vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng (với cá nhân) và 500 triệu đồng (với tổ chức). |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc