Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ xã Hòa Xuân chung tay bảo vệ môi trường

07:58, 22/11/2018

Phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện bảo vệ môi trường, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đã triển khai xây dựng nhiều mô hình hay, hoạt động thiết thực góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Để triển khai hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Hội LHPN xã Hòa Xuân đã chỉ đạo 100% các chi hội vận động hội viên thực hiện các mô hình: Chi hội mẫu 3 sạch “Sạch nhà - sạch bếp - sạch ngõ”; Con đường phụ nữ tự quản; Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật... Ngoài ra, Hội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ hội viên và người dân xây dựng hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi; nhân rộng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Các hội viên Hội LHPN xã Hòa Xuân đang chăm sóc hoa trồng ven đường ở thôn 1.
Các hội viên Hội LHPN xã Hòa Xuân đang chăm sóc hoa trồng ven đường ở thôn 1.

Về thôn 1 (xã Hòa Xuân) vào ngày chủ nhật hằng tuần, ai cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh chị em hào hứng tham gia quét dọn vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm và chăm sóc đường hoa nông thôn. Chị Trần Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 1 cho biết, đây là phong trào được hình thành và duy trì thường xuyên từ đầu năm 2017 đến nay. Để xây dựng mô hình đường hoa nông thôn, Chi hội đã vận động các hội viên tự ươm giống các loại như hoa mười giờ, mào gà, cỏ lạc tại nhà rồi đưa ra trồng dọc hai bên đường. Ban đầu chỉ trồng hoa thí điểm khoảng 1 km đường, đến nay đã nhân rộng thêm 2 km tại hầu khắp tuyến nội thôn. Song song với đó, Chi hội đã phát động phong trào “Ngày chủ nhật xanh” để chị em ra quân giữ gìn và duy trì cảnh quan môi trường đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp. Những đường hoa đầy màu sắc đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, giúp mỗi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Buôn Drai H'ling có trên 200 hộ đều là người dân tộc thiểu số. Trước đây, người dân trong buôn còn giữ tập quán chăn nuôi heo, gà thả rông, hoặc nhốt trâu, bò cạnh khu vực giếng ăn, bếp nấu, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống. Chị H’Lim Byă, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn cho biết, trước thực trạng đó, Chi hội đã phối hợp với các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong buôn đến từng hộ gia đình hoặc thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt cộng đồng để tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, thói quen, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chủ trương của Chi hội là vận động hội viên phụ nữ thực hiện trước, lấy nhà này làm gương cho nhà khác để từng bước thuyết phục các hộ dân tham gia. Với cách làm đó, đến nay, hầu hết các hộ dân trong buôn đã thay đổi nhận thức, thực hiện việc làm chuồng trại chăn nuôi ở xa nơi ở, không xả chất thải bẩn, vứt rác ra đường.

Các hội viên Chi hội phụ nữ thôn 1, xã Hòa Xuân tham gia quét dọn vệ sinh nhà văn hóa thôn.
Các hội viên Chi hội phụ nữ thôn 1, xã Hòa Xuân tham gia quét dọn vệ sinh nhà văn hóa thôn.

Có thể thấy, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cùng những hoạt động hiệu quả, thiết thực, Hội LHPN xã Hòa Xuân đã tạo nên phong trào bảo vệ môi trường có sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, hội viên phụ nữ và toàn thể nhân dân. Theo đánh giá của bà Đặng Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Xuân, qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay các mô hình của Hội vẫn được duy trì tốt. Môi trường sống ở các khu dân cư và cảnh quan nông thôn ngày càng được cải thiện; rác thải luôn được tập kết đúng địa điểm, phân loại và tiêu hủy đúng quy trình; tình trạng ô nhiễm, xả rác bừa bãi ở ruộng đồng được hạn chế tối đa. Hội LHPN xã Hòa Xuân có trên 1.200 hội viên, với 9 chi hội trực thuộc. Qua rà soát đánh giá, hiện tất cả các chi hội đều đạt tiêu chuẩn “5 không, 3 sạch”.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.