Multimedia Đọc Báo in

Hội LHPN thị xã Buôn Hồ: Nhiều hoạt động chung tay bảo vệ môi trường

08:57, 28/05/2019

Phát huy vai trò phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Buôn Hồ đã xây dựng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực.

Từ năm 2015, nhận thấy đường trục chính của xã còn thiếu nhiều bóng cây che bóng mát, năm 2015, Hội LHPN xã Ea Drông đã tổ chức xây dựng mô hình “Buôn tôi xanh, sạch, đẹp” bằng cách triển khai việc trồng cây xanh. Hội đề xuất phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã và UBND xã Ea Drông mua cây giống, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân tham gia trồng 300 cây sao đen (trị giá 26 triệu đồng) trên 2,5 km trục đường chính của xã.

        Những hàng cây xanh phủ bóng mát trên trục đường chính ở xã Ea Drông (thị xã  Buôn Hồ).
Những hàng cây xanh phủ bóng mát trên trục đường chính ở xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ).

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2018, Hội LHPN xã Ea Drông lại tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức trồng thêm 200 cây sao đen và 100 cây bơ booth (trị giá gần 20 triệu đồng) trên một số tuyến đường trong xã. Chị H’Ăn Niê, Chủ tịch Hội LHPN xã phấn khởi cho biết: “Mô hình “Buôn tôi xanh, sạch, đẹp” đã được người dân trên địa bàn xã đồng thuận cao, từ đó ý thức chăm sóc cây xanh, bảo vệ môi trường sống xung quanh của người dân cũng được nâng lên. Nhiều người thấy được lợi ích thiết thực của việc trồng cây nên đã chung tay, đồng lòng phát quang bụi rậm, thường xuyên chăm sóc cây xanh... Những tuyến đường đã bắt đầu có bóng mát...".

 
"Triển khai các mô hình “Buôn tôi xanh, sạch, đẹp”, “Khu dân cư xanh, sạch, đẹp”, toàn thị xã đã trồng được 1.100 cây sao đen (tổng trị giá gần 86 triệu đồng), hoàn thành 15 tuyến đường hoa với tổng chiều dài 4.450 mét. Ngoài ra, các cấp hội cơ sở cũng đã xây dựng 12 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tặng 445 chiếc làn nhựa đi chợ cho chị em hội viên..."
 
Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã Buôn Hồ Trần Khánh Hồng

Bên cạnh đó, hội viên phụ nữ xã Ea Blang cũng đã xây dựng thành công mô hình “Khu dân cư xanh, sạch, đẹp”. Chị Phùng Hoài Phương, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Blang chia sẻ: “Để có được những con đường hoa đẹp, chúng tôi đã chủ động đi xin các giống cây như hoa mười giờ, cỏ lạc… về trồng trên các tuyến đường và bỏ công chăm sóc đều đặn, từ đó nhân rộng mô hình ra các thôn buôn. Đến nay, toàn xã đã có gần 3 km đường hoa. Những lúc hoa nở rộ, chính nhiều người dân trong xã không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những con đường do chị em phụ nữ đảm nhận…”. Cũng theo chị Phương, nhờ những con đường hoa này đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường. Người dân không còn vứt rác thải bừa bãi như trước nữa, mà ngược lại, ai cũng tích cực bảo vệ giữ gìn cảnh quang thôn, buôn…

Theo chị Trần Khánh Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã Buôn Hồ, thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia bảo vệ môi trường đã được Hội LHPN thị xã triển khai khá đồng bộ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Hàng cây sao đen do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) trồng đang phát triển xanh tốt.
Hàng cây sao đen do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) trồng đang phát triển xanh tốt.

Để phong trào này tiếp tục lan tỏa, Hội sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, duy trì và nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hai cuộc vận động: “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.