Chuyện bảo vệ môi trường ở Australia
Người ta nói Australia là một trong những quốc gia đáng sống nhất thế giới có lẽ một phần nhờ môi trường tự nhiên của họ. Vậy, người Australia bảo vệ môi trường như thế nào? Bài viết này xin điểm một vài nét nổi bật trong cách bảo vệ môi trường của Australia mà tác giả có thời gian làm nghiên cứu sinh liên quan đến môi trường ở đó.
Khi máy bay hạ cánh xuống phi trường, trước khi hành khách rời khỏi máy bay để vào Australia, tiếp viên sẽ phát cho mỗi người một tấm phiếu điền những thông tin như có bệnh truyền nhiễm hay các bệnh lây lan như cảm cúm hay không; có mang các loại cây trồng hay thức ăn hay không. Hải quan Australia nghiêm cấm hoàn toàn việc mang hoa quả, hay cây trồng ngoại lai vào đất nước họ do sợ bị lây nhiễm bệnh tật hoặc sinh vật có hại vào cây trồng và vật nuôi của họ. Tại phòng khai hải quan có rất nhiều thùng rác để nếu hành khách có các loại hàng hóa như trên thì buộc phải hủy bỏ chứ không cho nhập cảnh. Bạn sẽ bị phạt rất nặng nếu cố tình che giấu những sản phẩm có thể nguy hại cho môi trường và sản phẩm của Australia.
Cảnh quan thiên nhiên trong Trường Đại học Flinders. |
Đối với sản xuất tiêu dùng trong nước, hầu hết các sản phẩm đều được ghi giá hoàn trả của bao bì. Bởi thế, ở Australia có nhiều người nhặt chai lọ ở các thùng đựng rác tái chế tại các trường học hay công viên, lý do là ở trên mỗi chai lọ, hộp sữa... đều ghi số tiền đổi tại điểm thu gom. Chẳng hạn, mỗi vỏ chai bia sản xuất tại Australia sẽ được đổi lại 10 cent. Nhờ những sáng kiến này, người sử dụng sẽ không vứt bao bì bừa bãi mà gom lại một chỗ hoặc cho vào thùng tái chế để có người thu gom. Sinh viên Việt Nam tại trường Đại học Flinders (thành phố Adelaide) có một hoạt động vì cộng đồng là thu gom chai lọ đổi lấy tiền và gửi về các quỹ ở Việt Nam.
Ở các trang trại, các bao nilon hay chai thuốc trừ sâu đều được thu gom và để một nơi cố định. Việc thu gom và phân loại rác đều được tập huấn đến mọi người dân, học sinh cũng được dạy ở trường học. Điều này cũng tạo thành thói quen cho những người đi làm ngắn hạn như sinh viên làm thêm. Những sinh viên làm thêm ở các trang trại thậm chí còn nhặt túi ni lon hay các vật dụng đựng thức ăn cho vào nơi quy định sau mỗi bữa ăn. Cũng tại các nông trại, nông dân thường sử dụng thuốc trừ sâu hoặc diệt cỏ thân thiện với môi trường được sản xuất từ các nguyên liệu hữu cơ. Người Australia rất hạn chế khai thác rừng, chú trọng bảo tồn các nguồn nước và xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn.
Thùng đựng rác tại nơi công cộng. |
Để bảo vệ môi trường, các nhà hàng phải được dọn dẹp sạch sẽ. Nhà hàng sẽ bị đóng cửa nếu để xảy ra tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm. Ở các nhà hàng và sản xuất thực phẩm, các hệ thống xử lý nước thải được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh xử lý thông thường, người ta còn sử dụng các chất khử trùng đặc biệt có tính sinh học để khử mùi hôi thối. Chính vì lẽ đó, dù bạn đi bộ trên những con phố hay vào chợ, bạn đều không thấy mùi hôi của thực phẩm.
Trên góc độ quốc gia, người Australia hạn chế nhập vào nội địa các sản phẩm nông nghiệp từ nước ngoài hoặc có nhưng rất hạn chế để phòng lây lan dịch bệnh. Điều này giải thích rằng các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên nước ngoài thường được khuyến khích thực hiện bởi các nguyên liệu của Australia nhằm tránh rủi ro tác động xấu đến môi trường của họ.
Có thể nói, môi trường tự nhiên của Australia thực sự trong lành, sạch sẽ và ấn tượng không chỉ bởi họ được thiên nhiên ưu đãi mà còn bởi chính sách và ý thức bảo vệ môi trường.
Lê Văn Vượng
Ý kiến bạn đọc