Multimedia Đọc Báo in

Đổi rác tái chế lấy quà tặng: Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

16:23, 25/06/2019

Từ những thứ rác thải có thể tái chế như chai, lọ nhựa, giấy, vỏ lon bia, lon nước ngọt…, nhiều người dân, trẻ nhỏ đã mang tới Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột để đổi lấy những túi rau sạch, vé vào khu vui chơi hay những cuốn sách, truyện.

Đó là Chương trình “Đổi rác thải tái chế lấy quà tặng” do Ban quản lý Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột triển khai thực hiện trong Ngày môi trường thế giới (5-6) năm 2019. Mục đích của chương trình nhằm hướng cộng đồng vào các hoạt động như: hạn chế sử dụng và thải rác nhựa, sử dụng các sản phẩm, vật dụng thân thiện với môi trường để hạn chế đến mức thấp nhất việc xả rác thải ra môi trường.

Với cách làm hay, sinh động và có chiều sâu, chương trình đã thực sự tạo được ấn tượng, thu hút đông đảo người dân đến tham gia. Thể hiện rõ nhất là có rất nhiều người mang rác đến đổi quà; có người sau khi đến Đường sách uống cà phê biết Chương trình thì đã quay về nhà thu gom rác thải nhựa mang đến đổi lấy quà tặng; trong khi món quà đơn giản chỉ là một túi rau cải, rau xà lách sạch, là cuốn truyện tranh cho con hay vé vào khu vui chơi.

Người dân mang rác đến đổi lấy rau sạch.
Người dân mang rác đến đổi lấy rau sạch.

Cùng cô con gái nhỏ mang một túi chai lọ nhựa đến đổi quà, chị Thảo (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, qua facebook của bạn bè, biết có Chương trình đổi rác lấy quà tặng, ngày hôm trước chị đã khuyến khích con gom nhặt chai nhựa không sử dụng trong nhà để đưa đến Đường sách đổi quà tặng. Theo chị, việc làm này không phải nhằm mục đích để lấy quà mà trên hết là giáo dục để cho con ý thức hơn bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi.

Không chỉ chị Thảo, mà trong ngày, đã có nhiều phụ huynh đưa con đến tham gia Chương trình; hầu hết các em rất thích thú và hứng khởi khi mang theo những túi rác đến đổi quà. Em Nguyễn Thị Hà (12 tuổi) chia sẻ: “Lâu nay em vẫn nghe mọi người tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường qua ti vi, sách báo và cả ở trường học; tuy nhiên, đây là lần đầu tiên được tham gia Chương trình đổi rác lấy quà nên em rất vui và phần quà mà em chọn là một cuốn truyện tranh. Em mong sẽ có nhiều chương trình như vậy để em và các bạn cùng tham gia”.

Theo số liệu thống kê của UBND TP. Buôn Ma Thuột, trung bình mỗi ngày thành phố xử lý gần 285 tấn rác thải; trong đó, rác thải từ nhựa và túi nilon chiếm một phần rất lớn. Việc sử dụng các sản phẩm thân thiện, có thể tái sử dụng nhiều lần sẽ góp phần hạn chế lượng rác thải ra môi trường. Chính vì thế, Chương trình “Đổi rác thải tái chế lấy quà tặng” cũng là một cách khuyến khích người dân phân loại rác, góp phần hạn chế gánh nặng cho môi trường.

Anh Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết: “Thông điệp chúng tôi muốn gửi tới đông đảo mọi người là bảo vệ môi trường bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, việc tử tế như: giảm thiểu sử dụng các vật phẩm từ nhựa, hộp xốp và túi nilon; thay vào đó, hãy sử dụng các sản phẩm hữu cơ và có thể tái chế như: ống hút tre, bột, inox và những chiếc ly giấy, túi sinh thái tự hủy, túi vải… Hiện tại Đường sách đang dần loại bỏ ống hút, ly nhựa và túi nilon ra khỏi hoạt động kinh doanh; hướng đến một con đường không rác thải nhựa”.

Nhiều người thích thú tìm hiểu ống hút thân thiện môi trường được bày bán tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột.
Nhiều người thích thú tìm hiểu ống hút thân thiện môi trường được bày bán tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột.

Đổi rác lấy quà là việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và lan tỏa thông điệp: Bảo vệ môi trường từ những hoạt động nhỏ ngay nơi sinh sống của chúng ta.

Công ty Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố tham gia và ủng hộ 70 túi rau sạch, 100 vé vào khu vui chơi và 100 quyển sách, truyện để thực hiện Chương trình “Đổi rác tái chế lấy quà tặng”. Dự kiến, ngày 28-6 tới , đơn vị sẽ tiếp tục triển khai Chương trình này.

Thúy Hồng
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.