Multimedia Đọc Báo in

Nắng, mưa đâu chỉ chuyện do… trời!

08:14, 18/08/2019

Các chuyên gia khí tượng thủy văn dự báo năm 2019: nắng nóng, mưa lũ và bão mạnh. Với Việt Nam khả năng rất cao là đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan đang có xu hướng gia tăng nhiều lên như lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đô thị, giông lốc…

Những dự báo này đã có câu trả lời bằng chuỗi ngày nắng nóng kỷ lục trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua. Thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt và sức khỏe của con người. Đất đai khô cằn, nhiều nơi hạn hán, khan hiếm nước sạch, cháy rừng lan rộng. Tiếp ngay sau đó, mới đây mưa lớn kéo dài đã gây nên tình trạng ngập lụt ở nhiều địa phương. Hà Nội ngập, TP. Hồ Chí Minh ngập dường như không còn là chuyện lạ.

Ngạc nhiên là những nơi trước giờ chưa bao giờ ngập úng nghiêm trọng nhưng vừa rồi cũng chìm trong biển nước. Đó là huyện đảo Phú Quốc, bốn bề bao bọc bởi biển, có lợi thế thoát nước nhanh; là phố núi Buôn Ma Thuột có địa hình cao, không mấy khi lo bão lụt nhưng rồi cũng phải chịu cảnh ngập chưa từng có. Hàng nghìn con người ở xứ sở chẳng mấy khi biết đến lụt lội đã phải vật lộn trong trận “đại hồng thủy”.

Có vẻ như thiên tai đã không còn “ưu ái” bỏ qua cho bất kỳ vùng đất nào nữa. Nhưng liệu nắng nóng, mưa lũ, ngập úng, đó có đơn giản chỉ là chuyện của trời và do trời!? Theo các nhà khoa học, tác động của con người, đặc biệt nạn phá rừng là nguyên nhân số một gây ra hiệu ứng nóng lên toàn cầu. Khí CO2, metan và các hóa chất khác do con người thải ra bầu khí quyển, hoạt động như một tấm màn, giữ lại sức nóng từ mặt trời và khiến trái đất nóng lên. Nhiệt độ cao hơn cũng khiến các thảm họa thiên nhiên như bão, lũ lụt, nắng nóng và hạn hán diễn ra nhiều hơn với cường độ mạnh hơn.

Mưa lũ làm ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông đi lại khó khăn trên Tỉnh lộ 1 đoạn qua xã Cư Mlan (huyện Ea Súp).
Mưa lũ làm ảnh hưởng các phương tiện giao thông đi lại khó khăn trên Tỉnh lộ 1 đoạn qua xã Cư Mlan (huyện Ea Súp). Ảnh: Hoàng Tuyết

Thêm nữa, tốc độ đô thị hoá, đường sá, các công trình, nhà cửa mọc lên nhanh chóng cũng làm giảm quá trình điều tiết nước, lưu thông dòng chảy. Phát triển đô thị là một xu hướng nhưng cần tránh tối đa việc làm hạn chế tuyến thoát nước và giảm khả năng thấm nước mặt đất tự nhiên. Nguyên lý ấy những người ngoại đạo ít nhiều còn hiểu thì các nhà quy hoạch càng thừa hiểu.

Cứ tạm chấp nhận là trình độ, tầm nhìn quy hoạch, xây dựng đô thị chưa theo kịp, chưa tính hết năng lực thoát nước trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng cũng không thể cứ tụt hậu mãi, vì còn có quá trình đúc rút kinh nghiệm để thay đổi, để thấy bất cập của cái đã làm mà sửa khi làm cái sau.

Sự cải biến dường như vẫn chưa mạnh, thế nên còn tái diễn tình trạng “mạnh đường đường làm, mạnh cống cống làm”, câu chuyện quy hoạch của địa phương này, giai đoạn này vẫn giẫm phải vết xe đổ của địa phương khác, giai đoạn trước. Hệ lụy: điệp khúc cứ mưa là ngập ngày càng xuất hiện ở nhiều địa phương. Điều dư luận băn khoăn đặt câu hỏi ở chỗ từ lý thuyết đến hiện thực hoá để vận hành đúng quy luật thì dường như ít nhiều, ở đâu đó đã vấp phải một rào cản lớn, ảnh hưởng đến tầm nhìn quy hoạch đô thị, ấy là lợi ích: lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích địa phương, lợi ích vùng.

Thiên tai cộng thêm “nhân tai” nữa thì sức tàn phá không gì đo đếm được…!

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc