Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương

10:55, 30/12/2020

Vừa qua, tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị cấp bộ trưởng về hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương với sự tham dự của các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành làm Trưởng đoàn, cùng đại diện của các Bộ Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh An Giang.

Hội nghị đã thảo luận, đánh giá các kết quả đạt được trong hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương; thông qua Tuyên bố chung và danh sách đề xuất các dự án hợp tác Mê Công – Lan Thương; ký bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương và Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

mm

Đại diện các nước tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện các nước khẳng định hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương thời gian tới sẽ tiếp tục gắn chặt với chủ đề “Cùng chia sẻ dòng sông, cùng chia sẻ tương lai”; phối hợp chặt chẽ trong các hành động chung nhằm thực hiện các quyết định của lãnh đạo cấp cao; nỗ lực hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động 5 năm Hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương (2018 – 2022); tăng cường và mở rộng hợp tác về chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các quốc gia thành viên nhằm hướng tới đạt được một cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu toàn diện cho hợp tác Mê Công – Lan Thương; tăng cường năng lực phòng ngừa và giảm thiểu tác động thiên tai liên quan đến nước và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường đối thoại và phối hợp giữa các quốc gia thành viên về các vấn đề liên quan đến nước; thúc đẩy tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến nước, duy trì cân bằng giữa phát triển và bảo vệ tài nguyên nước; khuyến khích phát triển đồng hành cơ chế hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương với các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác.

Hợp tác Mê Công – Lan Thương đã được bắt đầu từ năm 2016, trong đó hợp tác về tài nguyên nước đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu như thiết lập cơ chế hợp tác về tài nguyên nước trong lưu vực, thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương, tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương lần thứ nhất, tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin số liệu trên phạm vi toàn lưu vực, đặc biệt là các số liệu thủy văn trong mùa lũ, nhiều dự án hợp tác chung giữa các nước đã được xây dựng và triển khai có hiệu quả. Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ các quốc gia thành viên chủ động và tích cực tham gia ngay từ quá trình thành lập cơ chế hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương và có nhiều đóng góp về nội dung và lĩnh vực hợp tác. Việt Nam cũng tích cực, chủ động đề xuất các lĩnh vực hợp tác về tài nguyên nước và hiện đang đẩy mạnh thực hiện các đề xuất này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao các thành tựu của hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương và khẳng định sự tham gia tích cực và đóng góp có hiệu quả của Việt Nam trong cơ chế hợp tác này. Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của hợp tác Mê Công – Lan Thương vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia ven sông trong lưu vực, Việt Nam đề nghị thời gian tới, hợp tác tài nguyên nước cần ưu tiên thúc đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch hành động hợp tác nguồn nước 5 năm (2018 – 2022) thông qua thực hiện các chương trình, dự án chung đã được phê duyệt và tiếp tục xác định các dự án và hoạt động chung.

Việt Nam cũng đề nghị các nước tăng cường và mở rộng các lĩnh vực hợp tác, bao gồm cả chia sẻ thông tin số liệu, kinh nghiệm quản lý và trao đổi khoa học – kỹ thuật, đặc biệt hướng tới đạt được một cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu toàn diện cho toàn lưu vực sông Mê Công; tăng cường tham vấn, đối thoại trong xây dựng chính sách, kế hoạch, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý vì lợi ích chung của tất cả các nước trong lưu vực, tiến tới xây dựng một Chiến lược chung về quản lý tài nguyên nước cho lưu vực sông Mê Công – Lan Thương.

Thứ trưởng Lê Công Thành kêu gọi các bên nghiên cứu, trao đổi thông tin và kinh nghiệm, xây dựng các quy định chung nhằm tăng cường ứng dụng và phát triển công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, an toàn công trình; thúc đẩy sự phối hợp giữa cơ chế hợp tác Mê Công – Lan Thương với các cơ chế hợp tác Mê Công khác, đặc biệt là Ủy hội sông Mê Công quốc tế, nhằm phát huy tối đa các cơ sở kiến thức sẵn có của các cơ chế này đã được xây dựng trong nhiều năm qua.

Kết thúc Hội nghị, đại diện 6 nước đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị cấp bộ trưởng hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương và thống nhất tổ chức thường xuyên và luân phiên Hội nghị cấp bộ trưởng hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương.

(Theo Nhân Dân)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.