Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng về thực hiện xã hội hóa thu gom rác thải

08:14, 27/02/2020

Trước đây, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày luôn là nỗi lo, đồng thời là thách thức đối với chính quyền địa phương và người dân xã Ea Phê (huyện Krông Pắc).

Ông Nguyễn Hảo, một hộ dân ở thôn 4B chia sẻ: “Cách đây hơn một năm, rác thải sinh hoạt của gia đình chủ yếu là đem ra vườn để đốt nên khá vất vả lại không sạch sẽ. Người dân trong xã bạ đâu vứt rác đó, cứ chỗ nào có đất trống là họ mang đến đổ, lâu ngày lượng rác thải tồn đọng phát sinh mùi hôi, vừa mất vệ sinh môi trường lại ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Công nhân Công ty TNHH Ea Phê xanh đang thu gom rác sinh hoạt tại một khu dân cư ở xã Ea Phê (huyện Krông Pắc).
Công nhân Công ty TNHH Ea Phê xanh đang thu gom rác sinh hoạt tại một khu dân cư ở xã Ea Phê (huyện Krông Pắc).

Trước thực trạng trên, UBND xã đã hỗ trợ thành lập Công ty TNHH Ea Phê xanh và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1-2019 để thu gom rác thải. Theo đó, từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, xã đã trang bị 25 thùng rác công cộng đặt tại các điểm chợ, trường học, khu dân cư…; mua sắm xe rùa vận chuyển rác từ các điểm lẻ đến điểm chính; quy hoạch lại địa điểm tập kết rác thải. Cùng với đó, các tổ chức hội, đoàn thể của xã cùng vào cuộc với nhiều hoạt động thiết thực, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã với mô hình “5 không, 3 sạch”, Hội Nông dân xã với mô hình "Thu gom ve chai, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật"... 

 

Việc thu gom rác thải định kỳ ở các tuyến đường đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng dân cư. Từ đó phát huy vai trò chủ thể của người dân trong bảo vệ môi trường, cũng chính là bảo vệ sức khỏe chính mình, nhất là trong tình hình dịch bệnh  Covid -19 diễn biến phức tạp như hiện nay.”

 
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Phê

Hiện nay, Công ty TNHH Ea Phê xanh đang nhận hợp đồng thu gom, vận chuyển rác thải cho hơn 1.600 hộ dân trên địa bàn xã, với số lượng rác thu gom từ 10 - 14 tấn/ngày. Với mục tiêu không để rác tồn đọng lâu ngày, vào giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, công nhân của Công ty đến từng nhà tiến hành thu gom và chuyển về bãi rác thải tập trung của xã để xử lý.  "Không chỉ trực tiếp thu gom rác thải, nhân viên của công ty còn tích cực vận động, tuyên truyền người dân không vứt rác bừa bãi mà nên bỏ rác tập trung; nếu được thì phân loại rác từ đầu nguồn; việc ủ rác hữu cơ làm khí biogas cũng phải bảo đảm vệ sinh môi trường…" - ông Nguyễn Xuân Nghiêm, Giám đốc Công ty chia sẻ.

Cùng với việc góp phần cải thiện môi trường, giúp bà con tiện lợi trong sinh hoạt, mô hình thu gom, xử lý rác thải của Công ty TNHH Ea Phê xanh đã tạo việc làm với thu nhập ổn định 4,5 triệu đồng/tháng/người cho 4 nhân công và 1 tài xế của đơn vị. Anh Đào Văn Phi, nhân viên công ty cho hay: “Địa bàn rộng, lượng rác thải nhiều, trong khi đó phương tiện, dụng cụ thu gom rác còn thô sơ nên anh em trong công ty khá vất vả. Dẫu vậy, mọi người vẫn động viên nhau hoàn thành tốt công việc, nâng cao hiệu quả hoạt động, vì đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng”.

Các tuyến đường phong quang, sạch sẽ ở xã Ea Phê (huyện Krông Pắc).
Các tuyến đường phong quang, sạch sẽ ở xã Ea Phê (huyện Krông Pắc).

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Phê cho biết, đến nay cảnh rác thải trên các tuyến đường ở các thôn, xóm, hay tập trung ở các kênh mương đã gần như không còn, góp phần củng cố, giữ vững tiêu chí môi trường và xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để mô hình thu gom rác thải của Công ty TNHH Ea Phê xanh phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, chung tay bảo vệ môi trường, giám sát và thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, trồng và bảo vệ cây xanh…

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.