Multimedia Đọc Báo in

Công trình cấp nước xã Ea Tul: Đưa nước sạch về tận hộ dân

06:53, 15/09/2020

Từ nguồn vốn Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn của Ngân hàng thế giới, công trình nước tập trung tại xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh của nhiều hộ dân trên địa bàn xã.

Công trình cấp nước tập trung xã Ea Tul được đầu tư xây dựng với tổng nguồn vốn trên 7 tỷ đồng và được đưa vào hoạt động từ năm 2010 với công suất thiết kế 550 m3/ngày đêm. Ban đầu, công trình được giao cho UBND xã Ea Tul quản lý, đến tháng 12-2014 chuyển giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý. Đến năm 2018, công trình được mở rộng nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, với tổng mức đầu tư 6,3 tỷ đồng, bổ sung thêm 500 hộ so với thiết kế ban đầu. Đến nay, công trình đã đã đấu nối, cung cấp nước sạch cho 939 hộ/1.398 hộ theo thiết kế.

Bà H'Bhet Kla sử dụng nguồn nước máy phục vụ sinh hoạt.
Bà H'Bhet Kla sử dụng nguồn nước máy phục vụ sinh hoạt.
 
Bà H’Bhet Kla (buôn Sah A) cho hay, trước đây nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của gia đình lấy từ giếng đào. Do chất lượng nước không bảo đảm nên chủ yếu dùng để tắm giặt, còn nước uống thì mua các bình nước lọc về sử dụng, dù vậy vẫn lo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, hơn 4 năm nay, sau khi có nguồn nước từ công trình cấp nước tập trung, gia đình bà đã yên tâm sử dụng mà không còn lo lắng như trước đây.
 

Có nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, chất lượng cuộc sống của người dân nâng cao, giúp nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế; giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị”.

 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tul Trần Tuấn Đạt

Điều đáng ghi nhận nữa là từ khi có công trình cấp nước tập trung, người dân các buôn trên địa bàn xã nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của nước sạch trong cuộc sống. Vì vậy, họ luôn có ý thức bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước. Trong quá trình sử dụng, nếu công trình có hư hỏng, sự cố thì người dân liền báo cho cán bộ Trạm cấp nước để triển khai các biện pháp khắc phục ngay, hạn chế thất thoát nước và bảo đảm cấp nước thường xuyên, liên tục; đồng thời, tham gia đóng tiền sử dụng nước hằng tháng đầy đủ. Chia sẻ về việc quản lý, vận hành công trình cấp nước, anh Y Vôn Niê, Trạm trưởng Trạm cấp nước xã Ea Tul cho biết: “Cùng với việc thường xuyên kiểm tra hệ thống đường ống dẫn nước để kịp thời phát hiện sự cố hư hỏng, tránh thất thoát nước, chúng tôi còn tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống dẫn nước về các hộ dân. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động bà con sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm. Mặc khác, từ khi có công trình cấp nước tập trung, người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, không còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, hay phải sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh vào mùa mưa”.        

 

Cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh kiểm tra công trình cấp nước xã Ea Tul.
Cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh kiểm tra công trình cấp nước xã Ea Tul.
 
Được biết, xã Ea Tul có 97% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây, người dân thường có thói quen đi gùi nước ở các mạch suối đầu nguồn về để nấu ăn uống. Tuy nhiên, trước tình trạng hạn hán, nhiều mạch nước khan hiếm; cùng với đó, việc nhiều người lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm, nên việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch phục vụ nhân dân đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an toàn sức khỏe. Mặt khác, góp phần giúp địa phương sớm đạt chỉ tiêu về số hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tam Giang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.