Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả mô hình xử lý rác thải ở xã Cư Pơng

08:32, 03/09/2020

Xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) có 18 thôn, buôn với 2.650 hộ, gần 12.000 nhân khẩu sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%.

Trước đây, do tập quán sinh hoạt của đại đa số người dân trong xã còn lạc hậu, ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, nên việc xử lý rác thải hằng ngày chủ yếu là đốt, hoặc vứt bỏ tràn lan ra lề đường, kênh, suối... gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng đó, năm 2017 UBND xã Cư Pơng vận động Đoàn Thanh niên xã thành lập Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Cư Pơng với 9 thành viên do Phó Bí thư Đoàn xã Y Hlý Niê Kdăm làm Giám đốc. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của HTX là thu gom rác thải trên địa bàn xã có thu phí đối với hộ dân là 20.000 đồng/tháng; hộ kinh doanh 30.000 đồng/tháng. Hiện, HTX đang ký hợp đồng thu gom rác tại 10 thôn, buôn khu vực trung tâm xã với trên 600 hộ đăng ký.

Ngoài thu gom rác thải, hằng tháng HTX Thanh niên Cư Pơng còn phối hợp với UBND, các hội, đoàn thể của xã tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn, vệ sinh môi trường sống thông qua hình thức: lồng ghép trong các hội nghị ở xã, thôn, buôn; hệ thống loa truyền thanh của xã; treo băng rôn, pano, áp phích trên các tuyến đường liên thôn, buôn… Các tuyên truyền viên đã giúp người dân biết cách phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ và cách xử lý. Qua đó, không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tận dụng rác để làm nguồn phân bón cho cây trồng...

Xe thu gom rác thải của Hợp tác xã Thanh niên Cư Pơng.
Xe thu gom rác thải của Hợp tác xã Thanh niên Cư Pơng.

Chị H’Liên Niê (ở buôn Cư Hiam) cho hay: “Nhờ được tuyên truyền, phân tích, tôi đã hiểu được việc vứt rác thải bừa bãi không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống mà còn là tác nhân gây ra một số dịch bệnh trong cộng đồng. Tôi đã ý thức phải luôn vệ sinh nơi ăn, ở sạch sẽ; không vứt, đổ rác tùy tiện ra đường, kênh, suối; tích cực trồng cây xanh; tập kết rác vô cơ đúng nơi quy định và tự phân loại rác hữu cơ để đào hố chôn lấp trong vườn”.

Vì nhiều lý do khách quan nên hiện nay HTX Thanh niên Cư Pơng chỉ còn một mình Giám đốc Y Hlý Niê Kdăm duy trì hoạt động. Hằng tuần, cứ vào sáng thứ năm và chủ nhật, anh Y Hlý lại đánh xe cày đi từng đường làng, ngõ xóm thu gom rác thải và vận chuyển đến bãi rác tập trung của huyện, cách trung tâm xã Cư Pơng chừng 15 km. "Mức sống của người dân ngày càng cao nên lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường cũng tăng theo. Mỗi tuần tôi thu gom trên 10 tấn rác. Tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc, không để rác tồn đọng lâu ngày. Từ khi thành lập HTX đến nay tôi chưa được nhận tiền lương tháng nào mà còn phải bù hơn 50 triệu đồng chi phí sửa chữa xe cày và mua dầu chạy máy” - anh Y Hlý bộc bạch.

Tiểu thương chợ Cư Pơng đã nâng cao ý thức tự quét dọn vệ sinh nơi kinh doanh.
Tiểu thương chợ Cư Pơng đã nâng cao ý thức tự quét dọn vệ sinh nơi kinh doanh.

Để HTX Thanh niên Cư Pơng duy trì và hoạt động hiệu quả, từ tháng 8-2018 đến nay, UBND xã Cư Pơng đã kêu gọi Công ty TNHH Vận tải Thành Đạt (đóng chân trên địa bàn xã) hỗ trợ HTX 2 triệu đồng/tháng. Năm 2019, HTX còn được UBND huyện Krông Búk trang bị 2 xe máy cày với tổng trị giá 120 triệu đồng để vận chuyển rác thải.

Đồng chí Y Nhất Kpă, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng phấn khởi cho biết hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải của HTX Thanh niên Cư Pơng đã mang lại hiệu quả, tạo cảnh quan môi trường sạch - đẹp. Đặc biệt, tình trạng người dân vứt rác tại các khu vực công cộng, kênh mương, suối… không còn xảy ra.

Nhờ hoạt động thu gom rác thải của HTX, năm 2018 xã Cư Pơng hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Thành công lớn hơn của HTX là đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn môi trường sống; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của đơn vị hợp đồng dịch vụ thu gom rác thải; trách nhiệm của người dân trong việc đóng phí vệ sinh môi trường.

Đây là mô hình cần được nhân rộng để huy động sự tham gia, vào cuộc của cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường. Thời gian tới, UBND xã sẽ nghiên cứu đề xuất huyện về cơ chế, cân đối việc hỗ trợ thêm thiết bị cần thiết để HTX hoạt động hiệu quả hơn.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.