Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ môi trường theo cách riêng của phụ nữ

09:24, 27/10/2020

Phát huy vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) đã triển khai nhiều hoạt động phù hợp với thực tế của từng thôn, buôn.

Buôn Ko Đung A nằm trên tuyến Tỉnh lộ 1, nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi, xác động vật bốc mùi hôi thối, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Nhằm góp phần giữ vệ sinh trên tuyến đường, Chi hội Phụ nữ buôn Ko Đung A đã phối hợp Ban tự quản buôn tích cực nhắc nhở, tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh môi trường và xây dựng thói quen bỏ rác đúng nơi, chủ động đào hố xử lý và phân loại rác thải tại nhà.

Để "tiếp sức" cho buôn Ko Đung A trong việc bảo vệ môi trường, Hội LHPN xã đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã thành lập “Khu dân cư tự quản về môi trường” và ra mắt mô hình “Buôn phụ nữ xanh - sạch - đẹp” với 124 hội viên phụ nữ trong buôn tham gia. Thông qua mô hình, buôn được tặng một thùng rác đặt ở nhà cộng đồng để phục vụ cho các buổi sinh hoạt, họp buôn.

Chi hội  Phụ nữ  buôn  Ko Đung A (xã Ea Nuôl) tham gia  dọn vệ sinh tại nhà  cộng đồng buôn.
Chi hội Phụ nữ buôn Ko Đung A (xã Ea Nuôl) tham gia dọn vệ sinh tại nhà cộng đồng buôn.

Bà H’Blanh Byă, Trưởng buôn Ko Đung A cho biết, là đơn vị đầu tiên được chọn làm điểm triển khai mô hình “Buôn phụ nữ xanh - sạch - đẹp” trong 8 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, Ban tự quản buôn đã vận động 100% các gia đình trong buôn tự nguyện ký cam kết bảo vệ môi trường với những nội dung như: mỗi gia đình phải có hố rác, không vứt rác bừa bãi ra đường, không chặt phá cây xanh… Những nội dung này sẽ được đưa vào quy ước của buôn để đánh giá việc thực hiện gia đình văn hóa.

Từ năm 2018 đến nay, Hội LHPN xã đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã thành lập “Khu dân cư tự quản về môi trường” tại 6 thôn, buôn (Ko Đung A, Hòa Phú, Hòa Thanh, Hòa Nam 1, Tân Phú, buôn Niêng 1). Đầu tháng 10 năm nay, Hội ra mắt thêm mô hình "Buôn phụ nữ xanh - sạch - đẹp" tại buôn Ko Đung A và thôn Hòa Phú. Nhằm hỗ trợ các mô hình hoạt động hiệu quả, mỗi năm Hội sẽ cung cấp hơn 50 cây xanh để hội viên trồng và chăm sóc trên các tuyến đường nội thôn, buôn.

Hội Phụ nữ xã Ea Nuôl có 17 chi hội cơ sở, với 1.621 hội viên. Để hội viên chung tay bảo vệ môi trường, Hội đã chủ động gắn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thông qua các buổi họp thôn, buôn. Từ những kiến thức đã được trang bị, mỗi hội viên trở thành một tuyên truyền viên tích cực, góp phần lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường đến người dân.

Ngoài ra, Hội còn phát động phong trào phụ nữ chung tay hạn chế rác thải nhựa, giúp thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa và túi ni lông trong sinh hoạt, chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, tặng 32 giỏ xách (bằng nhựa tái chế) đi chợ cho hội viên khó khăn, khuyến khích người dân dùng giấy, báo cũ để gói quà, đồ ăn… Cùng với đó, vận động người dân phân loại rác và đào hố xử lý rác tại nhà, đến nay đã có khoảng 70% hộ dân tham gia thực hiện.

Hội viên phụ nữ thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl) chăm sóc cây xanh trên tuyến đường nội thôn.
Hội viên phụ nữ thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl) chăm sóc cây xanh trên tuyến đường nội thôn.

Từ cuối năm 2018 đến nay, trong các buổi họp, hội nghị, chương trình… của mình, Hội LHPN xã đã chủ động thay thế chai đựng nước, ly nhựa sang vật dụng bằng thủy tinh. Nhận thấy việc làm này mang lại những lợi ích thiết thực, UBND xã Ea Nuôl đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của xã áp dụng theo. Theo bà Đinh Thị Thúy Lăng, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Nuôl, tùy từng điều kiện cụ thể tại các thôn, buôn, Hội triển khai thực hiện những cách làm, mô hình phù hợp.

Trong thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tập trung các nguồn lực để hỗ trợ tích cực cho 8 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, theo phương châm “xây dựng mô hình nào làm chắc mô hình đấy”; phối hợp với các ban, ngành thường xuyên nhắc nhở, giám sát. Những mô hình hay, cách làm hiệu quả sẽ được biểu dương nhân rộng trong toàn xã và hành vi vi phạm sẽ xử lý theo quy định trong quy ước của thôn, buôn... giúp người dân nâng cao nhận thức, tích cực chung tay bảo vệ môi trường.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.