Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo thiếu nước sạch ở hai buôn xa

07:46, 12/10/2020

Từ nhiều năm nay, người dân ở hai buôn Ea Dray và Ea Dray A (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) phải sống trong tình cảnh thiếu nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày.

Theo các hộ dân ở buôn Ea Dray A, khoảng 7 năm nay, nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của người dân trong buôn chủ yếu lấy từ các giếng đào. Tuy nhiên, chất lượng nước không đảm bảo vệ sinh khi vào mùa mưa nhiều khu vực trong buôn bị ngập; còn mùa khô thì phần lớn các giếng đào khô cạn đáy. Do đó, hằng ngày, người dân phải mang gùi đi lấy nước ở con suối cách buôn từ 5 - 7 km về dùng. Vì đoạn đường đi lại khá xa nên các gia đình đông người, sử dụng nước nhiều phải thuê chung một xe máy cày đến suối lấy nước (mỗi hộ 10.000 đồng/lần); mỗi lần như thế, người dân tận dụng hết những chai lọ, xô, bình nhựa trong nhà mang theo để lấy nước.

Công trình cấp nước sinh hoạt ở buôn Ea Dray A bị hư hỏng phải bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Công trình cấp nước sinh hoạt ở buôn Ea Dray A bị hư hỏng phải bỏ hoang từ nhiều năm nay.

Chị H’Riêng Byă (buôn Ea Dray A) bày tỏ, giếng nước của gia đình chị bị ô nhiễm nên chỉ dùng tắm, giặt rửa, còn nước uống và nấu ăn thì phải ra suối lấy. Mỗi lần đi lấy nước, do đoạn đường đi khá xa nên chị phải góp 10.000 đồng cùng các hộ khác để thuê xe máy cày, dù đã tận dụng hết các chai lọ trong nhà mang theo để đựng nước nhưng chỉ đủ dùng trong 3 ngày.

Tương tự, giếng nước của gia đình ông Y Xê Niê (buôn Ea Dray A) nằm bên cạnh chuồng trại chăn nuôi gia súc nên chất lượng nước không bảo đảm. Biết vậy, nhưng gia đình ông cũng phải sử dụng để giặt giũ, tắm rửa bởi chẳng có nguồn nước nào thay thế. Riêng nước để uống và nấu ăn thì các thành viên trong nhà phải thay nhau đi lấy ở suối. Đó là chưa kể mỗi lần trời mưa, căn nhà của ông đều bị ngập nước, cùng với đó, nguồn nước cũng bị ô nhiễm nặng hơn nên cả gia đình phải hứng nước mưa để sử dụng.

Được biết, Ea Dray A là buôn tái định cư nằm ở khu vực địa hình thấp trũng nên hễ trời mưa thì nhà cửa của các hộ dân đều bị ngập. Tương tự, ở buôn Ea Dray cũng không có nguồn nước sạch, nước giếng thì bị ô nhiễm nên người dân trong buôn cũng phải sử dụng nước suối. Việc sử dụng nguồn nước không bảo đảm an toàn vệ sinh khiến bà con rất lo lắng.

Giếng nước của hộ ông Y  Xê Niê được xây dựng cạnh chuồng trại chăn nuôi không bảo đảm  vệ sinh.
Giếng nước của hộ ông Y Xê Niê được xây dựng cạnh chuồng trại chăn nuôi không bảo đảm vệ sinh.

Theo ông Bùi Thành Lịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, hiện nay trên địa bàn xã đã được đầu tư xây dựng một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung từ nguồn vốn Chương trình Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường dựa trên kết quả với tổng kinh phí thực hiện gần 15 tỷ đồng, đang chuẩn bị đưa vào sử dụng. Theo thiết kế, công trình sẽ cấp nước cho 950 hộ dân thuộc 6 thôn, buôn trên địa bàn xã, tuy nhiên hai buôn Ea Dray và Ea Dray A với khoảng 260 hộ dân không được sử dụng nước sạch từ công trình này do khoảng cách từ công trình đến buôn quá xa, đường ống không kéo đến tận nơi.

Việc không có nguồn nước hợp vệ sinh để dùng trong sinh hoạt hằng ngày đã khiến người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn cũng như nỗi lo ảnh hưởng đến sức khỏe. Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh, mặt khác cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con về sử dụng nước sạch, góp phần cải thiện chất lượng đời sống, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách bền vững.

Cách đây khoảng hơn 10 năm, buôn Ea Dray A được Nhà nước đầu tư xây dựng một công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ cho khoảng 90 hộ dân, tuy nhiên công trình chỉ hoạt động được khoảng 3-4 năm rồi hư hỏng và bỏ hoang do không có kinh phí quản lý, sửa chữa.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.