Multimedia Đọc Báo in

Chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản: Góp phần hình thành nhu cầu thực hiện kế hoạch hóa gia đình

09:12, 10/04/2010

Chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS-KHHGĐ) được triển khai trên địa bàn các xã vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao những năm gần đây đã trở nên quen thuộc và thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây là cơ hội để mọi người được tiếp cận với các dịch vụ y tế, góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức trong chăm sóc SKSS-KHHGĐ.

Đưa dịch vụ chăm sóc SKSS về cơ sở
Nghe tin có chiến dịch CSSKSS tại xã, mặc dù đứa con thứ 2 mới được 4 tháng tuổi, nhưng chị H’Yâng Niê (buôn Cuah A, xã Yang Reh, huyện Krông Bông) vẫn địu con đến Trạm y tế xã để tham gia. Đứng chờ đến lượt vào khám, chị H’Yâng thổ lộ: “Nhà mình còn nghèo lắm chỉ trông chờ vào 2 sào lúa và chồng đi làm thuê thôi. Giờ đã có đủ trai và gái rồi nên không đẻ nữa để còn nuôi chúng chứ. Hôm nay mình ra đây để được khám và đặt vòng luôn, có như vậy mới chắc ăn chứ nếu uống thuốc hay quên lắm”. Chị H’Bliêm ở buôn Yang Reh cho biết: “Mình đang mang thai được 3 tháng, đã ra trạm lấy thuốc bổ uống hai lần rồi nhưng khi được cộng tác viên dân số của buôn báo có chiến dịch CSSKSS mình lại đi để được khám thai và bày cho cách ăn uống để khỏe mạnh”. Việc đến trạm y tế xã, phường để được CSSKSS-KHHGĐ và tìm hiểu các thông tin về DS-KHHGĐ không còn xa lạ đối với chị em phụ nữ.
Điều đáng ghi nhận là chiến dịch không những đã “lôi kéo” được đông đảo chị em phụ nữ quan tâm màø còn thu hút được không ít “đức ông chồng”. Sáng nay dù bận nhiều công việc đồng áng nhưng anh Phạm Ngọc Nguyên  (thôn 2, xã Yang Reh, huyện Krông Bông) đã quyết định gác lại mọi việc để chở vợ đến Trạm y tế xã tham gia chiến dịch và tò mò đọc các nội dung trong tờ rơi quảng cáo ngay tại trạm. Trước đây, đối với anh và không ít người đàn ông khác, việc tìm hiểu về những vấn đề “tế nhị”, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viên nhiễm bộ phận sinh dục, thực hiện các biện pháp tránh thai là của phụ nữ. Chỉ khi được tư vấn khá kỹ anh mới bắt đầu thay đổi suy nghĩ và mong muốn được hợp tác với vợ trong thực hiện KHHGĐ. Anh Nguyên cho biết: “Gia đình tôi đã có 2 con, trai gái đủ cả, kinh tế còn nhiều khó khăn nên không muốn đẻ thêm làm gì. Vợ tôi đã đi đặt vòng được mấy năm nay rồi thế mà không hiểu sao lại có bầu và sinh thêm thằng cu này nữa. Những lần trước bà xã đi một mình, lần này tôi đích thân chở vợ đến và “kế hoạch” luôn cho yên tâm. Với lại, tôi nghĩ mình cũng phải đi để biết mà phối hợp thực hiện cho tốt”. Hiểu được lợi ích của việc tham gia chiến dịch, chị em đã tích cực vận động chồng bằng nhiều hình thức, kể cả việc đơn giản nhất là cầm một tờ rơi tuyên truyền về nhà.

Người dân được tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí tại Trạm Y tế xã Yang Reh (huyện Krông Bông) trong chiến dịch CSSKSS năm 2010
Người dân được tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí tại Trạm Y tế xã Yang Reh (huyện Krông Bông) trong chiến dịch CSSKSS năm 2010

Cần sự phối hợp đồng bộ hơn
Bác sĩ Lê Thị Minh Tuyết, Trưởng phòng Truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, chiến dịch CSSKSS đã có tác động tích cực trong công tác DS-KHHGĐ thông qua các hoạt động đồng bộ như tuyên truyền nhóm của các đoàn thể, truyền thông tư vấn trực tiếp tại nhà, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, các băng rôn, khẩu hiệu… Thông qua chiến dịch này, ngay cả các chỉ tiêu khó như vận động triệt sản, đặt vòng, tiêm, cấy thuốc tránh thai cũng được xúc tiến nhanh hơn. Song, cũng theo bác sĩ Tuyết việc triển khai chiến dịch hiện đang gặp một số vướng mắc, kinh phí tuyên truyền hơn 1 triệu đồng cho mỗi đợt chiến dịch là quá thấp. Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) đã chỉ rõ: “Đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao, Nhà nước tăng mức chi ngân sách cho công tác này”. Như vậy, ngoài ngân sách Trung ương, các địa phương cũng cần bổ sung thêm và trên thực tế, nhiều địa phương đã bổ sung gấp 3-4 lần số kinh phí nói trên. Qua giám sát, Chi cục nhận thấy phần lớn các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương rất quan tâm và trực tiếp chỉ đạo công tác dân số cả về kinh phí lẫn tinh thần. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương “khoán trắng” hoạt động này cho ngành Y tế; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể có nơi hầu như không có. Sở dĩ có hiện tượng này là do một số cán bộ chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ chưa có khả năng vận động, một số cán bộ các cấp chủ quan, thỏa mãn, cho rằng công tác này làm thường xuyên, chưa thấy hết tính chất khó khăn, phức tạp lâu dài của nó.
Để các đợt chiến dịch đạt hiệu quả, thiết nghĩ yếu tố quyết định là cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện; chọn thời gian triển khai tránh các yếu tố khách quan tác động như mùa vụ, mưa lũ; nắm chắc từng đối tượng và tuyên truyền vận động…”.

Năm 2010, Dak Lak có 84/184 xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) của 15 huyện, thị, thành phố được Trung ương phân bổ kinh phí để triển khai chiến dịch (năm 2009 là 120 xã thuộc 14 huyện, thành phố). Tuy nhiên, tỉnh đã vận dụng từ nhiều nguồn để nâng số xã được triển khai chiến dịch lên 86 xã. Chiến dịch được triển khai từ ngày 4-3 đến 30-8 với mục tiêu bảo đảm 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thuộc địa bàn chiến dịch được cung cấp thông tin, tư vấn, nâng cao hiểu biết về SKSS-KHHGĐ; tư vấn cho 100% đối tượng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; điều trị bệnh phụ khoa thông thường cho 70% đối tượng…
Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc