Multimedia Đọc Báo in

Nỗi niềm người cao tuổi

16:25, 12/07/2011

Một điều mà ai cũng dễ nhận thấy là số người cao tuổi ở nước ta ngày càng tăng, chứng tỏ chất lượng cuộc sống đã được nâng cao. Ngày nay, đa số người dân không  còn phải lo chuyện ăn no, mặc ấm, mà chú trọng sao để được ăn ngon, mặc đẹp. Vậy nhưng, vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết được nỗi niềm của người cao tuổi, cũng như tâm tư, nguyện vọng, sở thích của họ khi cuộc đời đã xế bóng về chiều...

 

Nhiều lần trên đường đến cơ quan, tôi thường gặp một cụ già đã trạc ngoài bảy mươi tuổi dạo bước, lúc thì trên vỉa hè đường Phan Chu Trinh, khi ở đường Hoàng Diệu. Điều đáng chú ý ở cụ là lần nào gặp, tôi cũng thấy cụ vận bộ đồ đại cán của quân đội, ngực cài Huân chương lấp lánh; hông  khoác chiếc Ra-đi-ô hiệu Nationnal có vỏ bằng da nâu; vai kia khoác chiếc ca - táp nâu, trên tay lại còn kèm theo chiếc cặp “cán bộ” màu đen... Rõ ràng, nhìn cụ, người ít hiểu nhất cũng đoán được cụ là người đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và đã từng phục vụ trong quân đội. Cụ già đi từng bước khá ung dung; và tuy khoác chiếc Ra-đi -ô bên hông , nhưng không lúc nào thấy cụ mở, bởi không nghe tiếng nói, tiếng nhạc. Mắt cụ luôn nhìn thẳng, và cụ luôn đi... trên vỉa hè, rất đúng luật giao thông. Một lần, tình cờ gặp cụ trên đường Trần Cao Vân, tôi chủ động chào cụ, và cũng là để tìm hiểu xem cụ ở đâu. Cụ hỏi lại tôi: - Mày cũng biết tao hả? Tôi bảo: - Cháu biết trước đây ông làm ở Sở Văn hóa- Thông tin! Cụ già “xì” một tiếng:  - Mày biết tao làm bảo vệ thì nói làm gì! Rồi cụ đi thẳng. Tôi hơi bị bất ngờ và ngạc nhiên. Tuy nhiên, sau đấy tôi đoán ra rằng cụ bực vì tôi chỉ biết cụ dưới vai trò một người làm bảo vệ công sở hôm nay, chứ không phải là một người lính, một chỉ huy oai hùng của một thời trận mạc...

 

Tuổi già thường sống với hoài niệm, sống bằng hoài niệm. Họ hít thở bầu không khí thực tại, nhưng trong tâm tưởng, trong suy nghĩ, trong cảm xúc của họ luôn hướng về quá khứ đã qua, về thời mình đã sống. Họ thường lấy cái hôm qua, vấn đề của hôm qua để so sánh với ngày hôm nay; lấy  cái quá khứ mà họ đã trải để soi vào này hôm nay... để từ đó đề ra những yêu cầu, nguyên tắc sống cho mình, và cho... mọi người. Có lẽ bởi vì thế mà ta thường cho các cụ là khó tính, là không dễ chiều; thậm chí, một số  người còn cho các cụ là bảo thủ, là lạc hậu v.v...

(Ảnh minh họa)
Bà và cháu (Ảnh minh họa)
Một cụ già khác tôi cũng thường gặp trong... Quán cơm bình dân. Ấy là đợt do vợ con đi nghỉ phép ở quê; còn một mình, ngại nấu ăn cách rách, tôi đi ăn “cơm hộp”. Tôi thấy cụ ngồi ở một chiếc bàn nơi góc quán, nhẩn nha xúc từng thìa cơm, nhai một cách chậm rãi. Nhiều bữa sau, thấy cụ vẫn đi ăn cơm ở đấy, tôi bê đĩa cơm của mình đến bên cạnh, làm quen, thì được cụ dãi bày: cụ có 3 người con, một cô lớn thì đã đi lấy chồng; cậu hai đang học đại học ở sài gòn, còn cậu út đang học lớp 10. Cụ bà cũng còn khỏe, ngày ngày vẫn làm vườn và nuôi heo. Tuy nhiên, các cụ... “không gần” nhau được, do tính tình không hợp(!) Hơn nữa, cô con gái tuy đã đi lấy chồng, nhưng mỗi lần về thường hùa vào  với mẹ để châm chọc, khích bác bố mình . Kể cũng lạ: hai cụ già đã ngoài bảy chục tuổi, có với nhau 3 mặt con, vậy mà cuối đời lại ly thân; cụ ông ăn “cơm bụi” còn cụ bà ăn “cơm niêu”, bởi một lý do rất mơ hồ như cụ ông nói: hễ cứ ngồi với nhau là y như... sinh chuyện!

Về già, cơ thể con người ta có nhiều chuyển đổi về tâm, sinh lý: các bộ phận cơ thể bị lão hóa; hoạt động, đi lại chậm chạp, và đặc biệt là tư duy, xét đoán thường thiên về chủ nghĩa kinh nghiệm. Trong khi đó, cuộc sống ngày nay lại biến đổi từng ngày, tốt, xấu, tiêu cực, tích cực đan xen.... đã tác động đến nhiều thành phần trong xã hội - trong đó có người già. Trong cơ chế thị trường, con cháu lo làm ăn, lo chuyện sinh nhai, ít có điều kiện quan tâm, chăm sóc bố mẹ già. Bởi vậy, tuổi già thường có tâm trạng cô đơn; nhiều cụ tủi thân vì nghĩ rằng con cháu đã bỏ rơi mình, không quan tâm đến mình như ngày xưa mình đã quan tâm, chăm sóc chúng.

 

Trở lại trường hợp của hai cụ già trên: một cụ luôn đắm mình trong quá khứ của một thời là lính, với tác phong, trang phục của người lính... Bởi vậy, trong suy nghĩ của cụ luôn thường trực những hình ảnh  quá khứ của một thời hào hùng; và do vậy, cụ luôn muốn mọi người chung quanh biết rằng: hôm nay cụ vẫn là người lính! Trường hợp cụ già thứ hai lại khác hẳn: nó phản ánh một điều rằng: về già con người ta đâm trở nên khó tính, xét nét, để ý từng chuyện nhỏ của người khác... dẫn đến khó cảm thông, từ đó mà khó hòa hợp. Ở trường hợp này, người có trách nhiệm làm cầu nối hàn gắn tình cảm bố mẹ lại với nhau chính là con cái. Tiếc thay, cô con gái cụ đã không làm được điều ấy.

 

Người già là vốn quý của xã hội, bởi chính họ đã từng trải cuộc đời, có cả một kho kinh nghiệm trong những năm tháng đã sống, đã cống hiến cho xã hội. Chính họ đã góp phần nuôi dạy những thế hệ cháu con; đồng thời trực tiếp góp phần mình vào hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc để dành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Về già, các cụ có quyền được hưởng sự chăm sóc của toàn xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với người già, như chế độ hưu trí, chế độ, chính sách đối với người có công v.v... Tuy nhiên, ngoài sự ưu đãi về vật chất, còn một điều vô cùng quan trọng là sự chăm lo về tinh thần cho các cụ. Về điều này thì không ai khác, mà phải chính những người thân của các cụ, chính các cấp chính quyền nơi thôn xóm, khối phố các cụ sinh sống phải biết tạo điều kiện để các cụ  có cơ hội được hội nhập, hòa đồng. Điều đáng mừng là nhờ kinh tê phát triển, nhiều địa phương đã có những “ Sân chơi” dành cho tuổi già như: thành lập câu lạc bộ hưu trí, câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ thơ tuổi già v.v... giúp các cụ được tham gia vào những hoạt động bổ ích, có lợi cho tuổi già. Tuy nhiên, điều đáng buồn là vẫn còn không ít trường hợp con cái hắt hủi bố mẹ, coi bố mẹ là gánh nặng, là người nhiễu sự; đã không giúp được việc gì mà còn lắm điều. Vì vậy, mới có chuyện: con cái phân công nhau cõng mẹ già về nuôi trong nhà một tháng; hết tháng lại cõng mẹ sang nhà anh (hoặc em) để... trả!

 

Chúng ta, ai rồi sẽ cũng sẽ bước về tuổi xế chiều. Tuổi già hôm nay chính là ngày mai của chúng ta! Đạo lý Việt Nam là kính già, mến trẻ. Hãy hiểu và thông cảm với nỗi niềm của người già để có những đối xử vẹn tình, trọn nghĩa, đúng đạo làm người. Ông bà ta có câu: “Yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi cho”. Mong sao không còn cảnh người già phải sống trong nỗi cô đơn sau khi đã vắt kiệt sức mình cho con cháu!  

Đinh Trường An

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.