Đói nghèo vì cố... sinh con trai
Xã Ea Tân (Krông Năng) hiện có 2.387 hộ, trong đó hơn 60% là đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ phía Bắc vào, chủ yếu là dân tộc Tày. Trình độ dân trí thấp, quan niệm thích sinh đông con và “phải sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường” còn phổ biến trong suy nghĩ của người dân là một trở ngại lớn trong công tác tuyên truyền, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn xã. Vì thế, tình trạng các gia đình có từ 4-5 con là chuyện hết sức bình thường, thậm chí có những hộ sinh đến 7-8 người con; tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên của xã Ea Tân hằng năm đều trên 18%.
Vợ chồng anh Thêm, chị Xuyến và những đứa con. |
Anh Hoàng Văn Thêm và chị Ma Thị Xuyến, người dân tộc Tày, ở thôn Ea Blông, xã Ea Tân cưới nhau năm 1995. Vì là con trai cả trong gia đình, theo quan niệm, anh Thêm phải có con trai để sau này nối dõi tông đường và thờ phụng tổ tiên. Áp lực sinh con trai đã gắn liền với cuộc sống vợ chồng anh Thêm từ lúc cưới nhau đến nay. Suốt 16 năm chung sống, 6 đứa con lần lượt ra đời nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ vì cả 6 con đều là con gái. Đến năm 2011, họ quyết định sinh thêm đứa con thứ 7 – may mắn đó là một cậu con trai. Dù đã có 7 mặt con nhưng chuyện vợ chồng anh Thêm có tiếp tục sinh nữa hay không cũng khó có thể nói trước được bởi hiện tại anh chị vẫn chưa áp dụng biện pháp tránh thai. Trong khi con cái của anh Thêm ngày một đông lên thì kinh tế gia đình ngày càng đi xuống. Nhà hiện có 10 nhân khẩu (kể cả người mẹ già) nhưng chỉ một mình anh Thêm là lao động chính. Còn chị Xuyến, do sinh đông và sinh dày nên suốt ngày bận bịu với việc chăm sóc con nhỏ, sức khỏe suy giảm nhanh chóng. Ngoài thu nhập chính từ hơn 1 ha cà phê, anh Thêm phải đi làm thuê, làm mướn nhưng việc trang trải cuộc sống hằng ngày cũng rất khó khăn, việc chăm lo cho các con ăn học trở thành thách thức lớn đối với vợ chồng anh Thêm.
Gia đình anh Lý Văn Tuyến và chị Ma Thị Nhẩu cũng đã có với nhau 8 đứa con. Sinh đông con nên cái đói, cái nghèo luôn theo họ như hình với bóng. Con cái của anh chị gầy ốm và xanh xao do bữa đói, bữa no. Chuyện học hành, tương lai của những đứa trẻ này sẽ thế nào đến bố mẹ chúng cũng không dám trả lời. Thế mà anh Tuyến vẫn chưa muốn… dừng đẻ. Anh cho biết: “Đông con thì khổ thật, nhưng vợ chồng mình vẫn cố sinh được thằng cu để sau này có người nối dõi, ra đường sẽ không bị người ta trêu chọc, coi thường”.
Có thể nói, những suy nghĩ như của anh Tuyến còn phổ biến ở nhiều gia đình tại xã Ea Tân. Áp lực phải sinh bằng được con trai đè nặng lên nhiều gia đình và khiến cán bộ dân số rất khó khăn khi vận động người dân áp dụng các biện pháp tránh thai. Hậu quả của tình trạng này là nhiều gia đình lâm vào cảnh nghèo túng, con cái không được ăn học đến nơi, đến chốn; đời sống của nhiều vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, hạnh phúc gia đình không được bảo đảm. Hiện nay, xã Ea Tân có 130 hộ nghèo thì phần đa đều rơi vào những gia đình sinh đông con; tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng chiếm đến 23%. Tình trạng gia tăng dân số, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã Ea Tân luôn “đứng đầu” ở huyện Krông Năng. Theo thống kê của Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện, trong trong năm 2011, tỷ lệ gia tăng dân số ở xã Ea Tân là 1,39% (cao hơn mức bình quân của huyện Krông Năng 0,08%); trong 2 năm 2010 và 2011, xã Ea Tân có đến 54 trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên, chiếm tỷ lệ trên 18% trẻ em được sinh ra…
Làm sao để thay đổi quan niệm của người dân, giúp họ nâng cao nhận thức về công tác dân số-KHHGĐ đang là những câu hỏi không dễ trả lời đối với các ngành chức năng ở xã Ea Tân. Để giải quyết được vấn đề này, thiết nghĩ công tác truyền thông dân số ở địa phương cần phải được tăng cường, thường xuyên và liên tục với nội dung và hình thức phù hợp với phong tục tập quán của người dân.
Võ Văn Thảo
Ý kiến bạn đọc