Multimedia Đọc Báo in

Người cựu chiến binh nhiệt tình với công tác dân số

14:29, 24/03/2012

Vốn là một cán bộ giao liên trong kháng chiến chống Mỹ, sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, chị Huỳnh Thị Dung trở về quê Bình Định sinh sống một thời gian rồi đến Dak Lak lập nghiệp và định cư ở xã Cư Mốt (Ea H’leo). Năm 1984, chị Dung được phân công làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ kiêm nhiệm cộng tác viên dân số thôn 5, xã Cư Mốt.

Khi đó, đời sống của người dân xã Cư Mốt gặp rất nhiều khó khăn. Các cặp vợ chồng sau khi lập gia đình chỉ biết lên nương, lên rẫy để kiếm kế sinh nhai, không có điều kiện tìm hiểu kiến thức xã hội, kiến thức kế hoạch hóa gia đình nên sinh đông con, sinh dày, cuộc sống lại càng khốn khó. Nhận thức của người dân thấp, đường sá khó đi là những khó khăn của cộng tác viên dân số trên địa bàn. Bên cạnh đó, là thương binh hạng 4/4, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại trở chứng khiến sức khỏe chị Dung giảm sút. Khó khăn là vậy, nhưng chị Dung vẫn không nản chí. Chị tích cực học hỏi những kinh nghiệm của đồng nghiệp, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức để tu dưỡng chuyên môn, hoàn thiện kỹ năng tuyên truyền, vận động. Chị kiên trì rà soát địa bàn, nắm bắt đối tượng để hiểu tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày với người dân, kiên nhẫn phân tích những khó khăn nếu sinh đông, làm cho bà con hiểu được lợi ích của kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt, vào những đợt thực hiện Chiến dịch truyền thông dân số, chị Dung đã trực tiếp đưa chị em đến Trạm y tế để đăng ký các biện pháp tránh thai, khám và điều trị viêm nhiễm đường sinh sản, điều trị phụ khoa... Bên cạnh đó, chị vận động chị em trong thôn tham gia các phong trào, hoạt động phụ nữ để chị em có điều kiện chia sẻ về kiến thức đời sống xã hội, bí quyết xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động xây dựng quỹ của chi hội phụ nữ để giúp đỡ, thăm hỏi những hội viên ốm đau, bệnh tật, những trường hợp đặc biệt khó khăn. Chị còn đề xuất với Ban Chấp hành Hội phụ nữ xã Cư Mốt tín chấp vốn với ngân hàng cho 18 hội viên nghèo thôn 5 vay hàng trăm triệu đồng đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Bên cạnh đó, chị Dung còn tích cực tham gia sinh hoạt Chi hội cựu chiến binh, khéo léo vận động hội viên cùng tuyên truyền cho người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, trong các buổi họp chi bộ, ban tự quản, cũng như các đoàn thể trong thôn, chị Dung đều có mặt để “xin” một ít thời gian tuyên truyền về chính sách dân số, Luật Bình đẳng giới.

Cứ như vậy, đến nay đã 28 năm, chị Huỳnh Thị Dung vẫn song hành với công tác dân số, góp phần giúp người dân ở thôn 5, xã Cư Mốt có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình. Trong năm 2011, thôn 5 không có người sinh con thứ 3; 100% phụ nữ mang thai đều tự giác khám thai đều đặn, sinh con ở Trạm Y tế và được tư vấn đầy đủ kiến thức làm mẹ an toàn…

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.