Multimedia Đọc Báo in

Những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số ở huyện Krông Bông

09:42, 28/08/2013

Sau 10 năm nỗ lực triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số (2003-2013), công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện Krông Bông đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Để Pháp lệnh Dân số đi vào cuộc sống, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cho các cơ quan có liên quan trong việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ năm 2003 đến nay Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em (nay là Trung tâm Dân số - KHHGĐ) đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức học tập, quán triệt nội dung Pháp lệnh cho 215 cán bộ chủ chốt trên địa bàn huyện; tập huấn cho các báo cáo viên; tổ chức các hội nghị giới thiệu Pháp lệnh Dân số đến với người dân. Công tác phối hợp giữa các phòng, ban chức năng được phát huy có hiệu quả; đã tiến hành tuyên truyền với nhiều phương thức như: tuyên truyền bằng xe loa được 1.500km đường dài, phát hành 252 băng đĩa cho các cộng tác viên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, phổ biến Pháp lệnh cho 183 cộng tác viên thôn, buôn… Đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên thôn, buôn đã tuyên truyền, vận động, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình, giúp người dân nâng cao nhận thức về KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản và tự nguyện thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Bên cạnh đó, nội dung chính sách dân số - KHHGĐ cũng đã được đưa vào hương ước, quy ước của thôn, buôn.

Chị Nguyễn Thị Ly (thứ hai từ phải sang), cán bộ dân số xã Cư Pui đang tư vấn các biện pháp KHHGĐ cho người dân thôn Ea Bar, xã Cư Pui.
Chị Nguyễn Thị Ly (thứ hai từ phải sang), cán bộ dân số xã Cư Pui đang tư vấn các biện pháp KHHGĐ cho người dân thôn Ea Bar, xã Cư Pui.

Những năm gần đây, nhờ thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh Dân số, tư vấn trong chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, nhiều cặp vợ chồng trẻ ở huyện Krông Bông đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe bản thân, thực hiện mô hình ít con, xây dựng kinh tế gia đình phát triển. Quan niệm lạc hậu “trọng nam, khinh nữ” đã được xóa bỏ dần, nhất là ở các vùng nông thôn. Hiện nay quy mô dân số của huyện cơ bản ổn định, chất lượng dân số được cải thiện. Dịch vụ dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ được mở rộng và nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Năm 2003, tỷ suất sinh thô còn 24,57%o, năm 2012 còn 19%o, giảm tỷ suất trung bình hằng năm 0,56%o. Cơ cấu dân số tương đối ổn định, tỷ lệ giới tính được cân bằng; tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại tăng hàng năm; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 4,4 %...

Chất lượng dân số từng bước được nâng cao, thông qua các dự án như: Dự án lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững thông qua hoạt động tiết kiệm - tín dụng và phát triển kinh tế gia đình, Dự án cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe. Các dự án đã tập trung tuyên truyền vận động chuyển đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em nhằm nâng cao chất lượng dân số. Theo đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em đã giảm hằng năm: năm 2003, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 39,4%; năm 2012 giảm xuống còn 23,3%.

Hằng năm, huyện ban hành quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực dân số, gia đình và trẻ em; khuyến khích những người thực hiện tốt chính sách dân số – KHHGĐ. Từ năm 2003 - 2012, toàn huyện có 32 tập thể, 24 cá nhân được khen thưởng. Song song với khen thưởng, huyện cũng xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số – KHHGĐ: toàn huyện có 45 trường hợp bị xử lý; nhiều gia đình sinh con thứ 3 không được công nhận gia đình văn hóa…

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Dân số vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế  như: chính sách chung của Nhà nước về dân số - KHHGĐ còn chậm, chưa đồng bộ vì vậy khi triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện của địa phương thiếu tính nhất quán. Công tác quản lý dân số, quản lý dân di cư ngoài kế hoạch không theo kịp biến động dân số cơ học, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền vận động, cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương còn xem nhẹ công tác dân số - KHHGĐ; sự triển khai, phối hợp giữa các ngành còn nhiều hạn chế; chế độ, chính sách về công tác dân số - KHHGĐ còn nhiều bất cập. Một số cán bộ, đảng viên, công chức viên chức chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hiện pháp lệnh dân số….

Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số đã góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Krông Bông.

 Thanh Hòa


Ý kiến bạn đọc