Nghèo khổ vì tảo hôn và đông con
Trẻ em ở thôn 9 chưa đầy 1 tuổi nhưng được mẹ địu lên rẫy là chuyện rất bình thường. |
Lấy chồng từ thuở 15 - thực tế đó đã và đang diễn ra ở thôn 9, xã Cư Króa từ nhiều năm nay và chưa có dấu hiệu giảm xuống. Số trẻ em học đến lớp 10 ở trong thôn chỉ có vài em, còn lại học đến lớp 7, lớp 8 rồi nghỉ học; đó cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng vị thành niên, thanh niên ở đây không am hiểu pháp luật, vi phạm Luật Hôn nhân gia đình.
Anh chị Thào Seo Hùng và Giàng Thị Xống đều sinh năm 1992, trong những gia đình đông con. Anh Hùng không được đi học, còn chị Xống mới học hết lớp 5. Năm 2007, khi vừa tròn 15 tuổi, hai người thích nhau rồi cưới nhưng không có giấy kết hôn vì chưa đủ tuổi pháp luật quy định. Năm nay, mới 21 tuổi nhưng chị Giàng Thị Xống đã là mẹ của 3 đứa con; trong đó đứa đầu sinh năm 2009, còn đứa con thứ 3 mới được 5 tháng tuổi. Do chị Xống không có kiến thức về chăm sóc sức khỏe trong quá trình mang thai và sinh đẻ nên những đứa con sinh ra đều hay đau ốm và gầy yếu.
Còn anh Vù Seo Đàm và chị Giàng Thị Pang lấy nhau năm 2002, khi cả hai mới 16 tuổi. Đến nay, họ đã sinh được 5 đứa con, gồm 2 trai và 3 gái. Đứa con đầu sinh năm 2004, đứa con thứ 5 vừa tròn 1 tuổi. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào việc trồng ngô, trồng mì nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. 5 đứa con của anh Đàm và chị Pang lớn dần lên trong sự thiếu thốn về cái ăn, cái mặc nên suy dinh dưỡng. Trong thời gian qua, mặc dù, nhiều lần được cán bộ dân số tư vấn, vận động sử dụng biện pháp tránh thai nhưng họ chưa áp dụng do vậy việc sinh thêm những đứa con là điều dễ xảy ra đối với đôi vợ chồng trẻ này.
Được biết, hiện trong thôn có 139 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng, số phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên là 88 chị (trong đó, có 55 chị sinh từ 5 con trở lên). Trong năm 2012 thôn 9 có 6 trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên, 2 trường hợp tảo hôn; 6 tháng đầu năm 2013 có 4 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên. Trên thực tế tình trạng tảo hôn còn xảy ra nhưng cộng tác viên dân số không báo cáo lên, hoặc che giấu. Bên cạnh đó, ý thức về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của người dân chưa được nâng cao. Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng hằng năm chiếm từ 20% trở lên. Trẻ em ở thôn 9 mới sinh vài tháng đã được mẹ đã địu lên nương, lên rẫy; một số trẻ nóng sốt, cảm cúm nhẹ không được bố mẹ mua thuốc chữa trị, chỉ khi nào trẻ ốm quá nặng mới đưa đến Trạm Y tế; khi đó Trạm buộc phải chuyển lên tuyến trên. Vì thế, hằng tháng, cán bộ y tế xã phải vào tận nơi vừa tuyên truyền, vận động, vừa khám và chăm sóc tại chỗ cho trẻ em.
Trong những năm gần đây, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Cư Króa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như giảm thiểu tình trạng tảo hôn và sinh đông con ở thôn 9, tuy nhiên hiệu quả còn thấp. Nguyên nhân chính là do phong tục tập quán sinh đẻ, hôn nhân lạc hậu đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân. 100% dân số ở thôn 9 theo đạo Tin lành, họ rất ngại áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, mà chủ yếu áp dụng biện pháp tránh thai tự nhiên. Bên cạnh đó, hầu hết phụ nữ không biết tiếng phổ thông; đường sá xa xôi, địa hình hiểm trở, nhà ở thưa thớt cũng là những trở ngại lớn trong công tác tuyên truyền dân số - KHHGĐ. Không những vậy, ý thức của cả cán bộ thôn lẫn người dân thôn 9 về KHHGĐ rất kém; trong đó, thôn trưởng đã có 5 đứa con, còn Anh Thào Seo Diêu là cộng tác viên dân số cũng cưới vợ khi mới 16 tuổi, hiện nay đã có 5 đứa con gái…
Thiết nghĩ, để thực hiện tốt công tác dân số ở thôn 9, xã Cư Króa không phải là chuyện “một sớm, một chiều” mà cần có giải pháp lâu dài theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Đồng thời cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật, trong đó chú trọng Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em; triển khai hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, giáo dục, chăm sóc y tế và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ đến với người dân.
Võ Thảo
Ý kiến bạn đọc