Nhức nhối tình trạng tảo hôn ở buôn K'Droh
Trong những năm qua, tình trạng tảo hôn ở buôn K’Droh, xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Trong buôn, nhiều “đứa trẻ” cưới vợ, lấy chồng và sinh con khi còn ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” và hệ quả là con cái sinh ra không được đăng ký khai sinh…
Gia đình H’Nghiêm K’Doh (sinh năm 1998) là một trong những hộ được xem là có “truyền thống” cưới vợ, lấy chồng sớm ở buôn K’Droh. Các anh chị của H’Nghiêm đều lập gia đình ở độ tuổi vị thành niên. Năm 2012, H’Nghiêm cũng bỏ học giữa chừng để lập gia đình với Y Hin K’Buôr (sinh năm 1994) - người cùng buôn. Đến nay, đôi “vợ chồng” trẻ này đã có một đứa con gần một tuổi. Do mẹ chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn nên con của H’Nghiêm vẫn chưa được đăng ký khai sinh. H’Nghiêm lý giải về việc lấy chồng sớm của mình: “Biết lấy chồng sớm là có hại cho sức khỏe nhưng do gia đình khó khăn nên em phải cưới chồng sớm để có thêm người phụ giúp làm nương rẫy. Với lại, em cũng muốn lấy chồng sớm…”. Trường hợp của “vợ chồng” H’Yung Niê Kdăm (sinh năm 1995) ở buôn K’Droh, xã Ea Tar và Y Yô Suê Niê Kdăm (cùng tuổi) ở xã Vụ Bổn (huyện Krông Pak) khiến mọi người đều bất ngờ. Chỉ sau 3 tháng tìm hiểu và yêu nhau, H’Yung và Y’Yô Suê đã về sống chung khi cả hai chỉ mới 18 tuổi. Lúc đầu gia đình hai bên cũng ngăn cản nhưng do cô cậu đã lỡ “vượt quá giới hạn” nên cũng đành phải chấp nhận. Cũng do cưới nhau quá dễ dàng nên chỉ sau một thời gian ngắn, đôi “vợ chồng” trẻ đã xảy ra mâu thuẫn, đến nay mỗi người sống một nơi… H’Yung Niê Kdăm chia sẻ: “Em cũng biết lấy chồng như thế là sớm nhưng do có thai ngoài ý muốn nên bắt buộc phải lấy nhau. Tập tục của người Êđê khi cưới nhau thì người con gái phải chịu lễ rất nặng, nhà em lại nghèo nên không thể đáp ứng điều kiện thách lễ của nhà trai… Sống với nhau được một thời gian thì chồng bỏ về nhà mẹ đẻ, để lại em và con ở đây…”.
Có thể nói, tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến và đang có chiều hướng gia tăng ở buôn K’Droh. Theo thống kê của cộng tác viên dân số của buôn, chỉ tính riêng trong năm 2013, trong buôn đã có đến 7 cặp tảo hôn (chiếm 41,17% so với tổng số trường hợp tảo hôn của xã - năm 2013 toàn xã Ea Tar có 17 cặp tảo hôn); trong đó, có trường hợp mới 15 tuổi... Chị Ra Lan H’Tưởng, cộng tác viên dân số buôn K’Droh chia sẻ: “Chúng tôi đã tuyên truyền cho bà con rất nhiều về chính sách dân số KHHGĐ song tình trạng tảo hôn vẫn cứ diễn ra. Đa số các trường hợp là do thanh niên thường nghỉ học sớm rồi lấy vợ, lấy chồng luôn để “ổn định gia đình”; cũng có nhiều trường hợp đang đi học, yêu nhau rồi lỡ có thai ngoài ý muốn nên phải lấy nhau. Bên cạnh đó, cũng có người có tâm lý thích lấy chồng, lấy vợ sớm để có thêm lao động trong nhà…”.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn nạn tảo hôn ở buôn K’Droh, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của ngành dân số huyện Cư M’gar và chính quyền địa phương.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc